Mảnh vỡ lớn nhất của thiên thạch tấn công nước Nga mà các nhà khoa học chưa tìm được địa điểm rơi có thể nặng vài tấn và kích thước lên đến vài mét.
Các nhà khoa học Nga đã khẳng định điều này dựa trên tính toán lý thuyết của các chuyên gia của Phòng thí nghiệm Thiên thạch học thuộc Viện Hoá địa và Hoá phân tích, Viện Hàn lâm Khoa học Liên bang Nga.
Mảnh vỡ thiên thạch tại Nga có thể lên tới hàng tấn với kích thước vài mét.
Phó trưởng phòng thí nghiệm Dmitri Badiulov cho biết: “Chúng tôi khẳng định rằng mảnh thiên thạch đó không dưới vài mét” và việc tìm kiếm nó vẫn đang tiến hành.
Các nhà khoa học đã thu thập lại được 450 mảnh vỡ của thiên thạch, nhưng chúng rất vụn, tổng trọng lượng chỉ là 3,5kg.
Trong khi đó, chính quyền thành phố Chelyabinski ước tính khoảng 10% tổng khối lượng của khối thiên thạch đã rơi xuống Trái đất nhưng chủ yếu do các cư dân nhặt được, giữ lại hoặc bán đi để sửa chữa nhà cửa bị hư hại. Con số này lên tới từ 100 đến 500kg.
Người ta đặt cho loại thiên thạch rơi xuống vùng Urals một cái tên chung là “thiên thạch Chelyabinsk”, tuy lúc đầu các nhà khoa học đề nghị gọi là “thiên thạch Chebakul”.