Khi quảng cáo những sản phẩm công nghệ cao, thường được gọi chung là đồ Hi-tech, các hãng sản xuất thường cố tình quên đi những nhược điểm của nó.
|
Xài đồ Hi-tech nên tham khảo những "mặt trái" cùng nhược điểm của từng sảm phẩm thì có lẽ khôn ngoan hơn là "đã tin" vào quảng cáo! |
Cũng như mọi thứ trên đời dù có hiện đại đến đâu thì sản phẩm Hi-tech cũng đầy rẫy những mặt trái và chúng ta cũng cần cân nhắc khi dùng.
Càng ngày, laptop càng được tích hợp để dần trở thành "all in one" và được quá nhiều dân chơi Hi-tech sùng kính hơn. Nhưng ngoài giá cả ra, ít người muốn nhắc đến hàng loạt điểm yếu của laptop so với desktop (PC để bàn).
Do kích thước nhỏ gọn nên việc nâng cấp cấu hình và "đồ chơi" thêm khá phức tạp và đắt tiền. So với desktop cùng cấu hình, tính năng, thậm chí thua xa nhưng laptop đắt hơn từ 300 - 500 USD mà khả năng thực hiện những yêu cầu cho cùng một công việc không sánh bằng desktop.
Bàn phím nhỏ gọn đôi khi lại là cản trở cho những người chỉ dùng laptop vào công việc văn phòng. Đó là chưa kể dễ hư hỏng hơn, bảo hành ngắn, pin hết luôn và nỗi lo cho người dùng vì quảng cáo dùng liên tục ba giờ nhưng thực tế hơn một giờ đã tắt ngỏm...
Những "đồ chơi" đi kèm như USB kiêm bộ phận thu phát và giải mã các kênh truyền hình kỹ thuật số, card wi-fi... trông chừng đem đến cho bạn một văn phòng di động nhưng chất lượng đường truyền Internet, hình ảnh TV luôn chập chờn và phủ sóng không rộng như quảng cáo và chăng phát huy hết được tính năng.
Chưa kể với các loài laptop dưới 1.200 USD, đi đâu cũng phải kè kè 8,4 kg bên mình với túi xách to đùng, muốn thay thế, sửa chữa thứ gì cũng phải nghĩ đến "vài vé".
Cùng với việc chạy đua sắm laptop, phong trào chơi PDA kiêm điện thoại di động đang là mốt thời thượng. Nhưng có mấy ai dám nói ra những khuyết điểm của "con dế cưng".
Chiếc O2 mini từng là ao ước của không ít người trước khi O2 Antom ra đời nhưng ai dùng rồi mới biết việc "đừng bao giờ dại mà khởi động lại hay tắt máy đi ngủ" vì lỡ tay làm thế dữ liệu sẽ mất sạch.
Dùng một trong những "chú dế" hiện đại nhất mà lúc nào cũng lo ngay ngáy hết pin thì đúng là chán thật. Nhiều anh chàng khoe mua "dế độc" để lướt NET, gửi tin MMS cho nàng hay có loại dùng để định vị toàn cầu (GPRS), nhưng tại Việt Nam mạng không hỗ trợ thì chỉ còn có tác dụng "giải quyết khâu oai" hay méo mặt nhìn "bill" cuối tháng.
Những "đại gia" như Nokia, Samsung, Motorola đang ra sức cổ vũ cho những sản phẩm "tinh tế, sang trọng, quyến rũ" của mình nhưng không bao giờ nhắc đến những hạn chế của mỗi dòng sản phẩm, như Nokia seris 40 thì hãy quên chuyện nâng cấp phần mềm, Motorola E 680I ngoài hỗ trợ thẻ nhớ đến 1 GB thì chẳng có tính năng nào hơn E 680, Samsung D500 chỉ thoải mái nghe nhạc trong phạm vi 96 MB... (kỳ thực chỉ xấp xỉ 90 MB).
Giống như nhiều sản phẩm Hi-tech khác, điện thoại di động luôn khiến "con nghiện" phải chạy đua đổi máy nếu không chỉ còn cách bán tống bán tháo, thậm chí cho không vì nhiều hãng chỉ chú trọng đến sản phẩm mới mà "quên" sản xuất linh kiện thay thế cho sản phẩm có vòng đời hơn một năm.
Ngoài "hai đại diện" tiêu biểu trên, những sản phẩm Hi-tech khác như camera kỹ thuật số, TV LCD hay Plasma, máy MP3... đều có "gót Asin" ít được nhắc đến.
Hiện Camera kỹ thuật số "rớt giá" thảm hại còn hơn cả PC, những chiếc Nikon, Casio, Sony, Canon... cách đây một năm còn trên 500 USD nay chỉ còn 200-300 USD nhưng bán lại còn bèo hơn và chưa chắc có người mua nếu độ phân giải dưới 5.0 MP.
Ngoài việc chạy đua tăng độ rộng của màn hình, công nghệ tích hợp wi-fi được đưa vào đã nâng giá máy khá đáng kể nhưng mấy ai mua để rồi in, truyền ảnh qua mạng không dây này.
TV LCD cũng cùng chung số phận sau khi Sony tung ra dòng Bravia. So với tháng 9-2005, các sản phẩm cùng đời, cùng tính năng giảm trung bình 7-10 triệu/chiếc và đang có khả năng giảm nữa.
Những lỗi của TV LCD như góc xem hẹp, dễ hư hỏng nhưng khó sửa chữa, tuổi thọ không cao bằng TV đèn hình, độ phân giải dòng sản phẩm rẻ tiền không cao... khá quan trọng nhưng hãng nào cũng "lờ tịt".
Xài đồ Hi-tech nên tham khảo những "mặt trái" cùng nhược điểm của từng sảm phẩm thì có lẽ khôn ngoan hơn là "đã tin" vào quảng cáo.