Mặt trái quyền lực dưới cái nhìn của người Ai Cập cổ đại

  •  
  • 391

Không chỉ là những truyện kể dân gian mang màu sắc huyền ảo, lý giải về quá trình tạo dựng và vận hành thế giới, thần thoại còn mang nhiều giá trị về pháp luật, đạo đức.

Ngoài hệ thống chữ tượng hình đồ sộ, người Ai Cập cổ đại còn có một kho tàng truyện thần thoại rất đặc sắc, thể hiện được cái nhìn toàn diện trong nhiều lĩnh vực. Thần thoại Ai Cập không chỉ là một tác phẩm văn học dân gian, thể hiện sự tự hào dân tộc của con người từ xa xưa. Ngoài ra nó còn chứa đựng nhiều giá trị về mặt sử thi, đạo đức và pháp luật.

Tấm gương phản chiếu đời sống xã hội

Một trích đoạn trong Tử thư Ai Cập thể hiện tín ngưỡng của người Ai Cập cổ.
Một trích đoạn trong Tử thư Ai Cập thể hiện tín ngưỡng của người Ai Cập cổ. (Ảnh: Commons/Wikipedia).

Người Ai Cập cổ đại có một hệ thống thần linh rất phong phú. Các vị thần này thường có quan hệ huyết thống với nhau, tạo thành những gia tộc lớn, có phả hệ phức tạp. Sự mâu thuẫn giữa các thành viên trong “gia đình thần linh” là nguồn cơn của chiến tranh và bệnh tật. Đây là điểm tương đồng rất lớn giữa thần thoại Ai Cập và thần thoại Hy Lạp.

Truyện sáng thế là một phần không thể thiếu trong thần thoại. Với người Ai Cập cổ đại, con người được tạo nên từ nước mắt của Thần Mặt Trời - Ra. Thế nên, từ khi chào đời đến lúc xa lìa nhân thế, con người phải trải qua nhiều chuyện bi thương đến mức rơi lệ, để từ đó họ hiểu được nỗi khổ của thần Ra khi tạo ra loài người.

Người Ai Cập cổ đại không thần thánh hóa quá mức quyền năng và ân đức của các vị thần. Trong thần thoại đã chỉ rõ khi về già, thần Ra trở nên lẩm cẩm và đưa ra nhiều quyết định sai lầm, khiến cho con cháu của ngài rơi vào vòng xoáy tranh giành quyền lực. Từ đó, thế giới của thần linh cũng như cuộc sống của người phàm trở nên hỗn loạn.

Các vị thần cũng có rất nhiều khuyết điểm như ích kỷ, tham lam, ghen tuông, nhỏ mọn. Để thâu tóm quyền lực về tay mình, có những vị thần sẵn sàng dùng thủ đoạn, Thần Mưa Dông và Bão Tố - Set là một ví dụ. Thần Set đã giết người anh ruột của mình là thần Osiris để nắm quyền cai quản vùng đồng bằng màu mỡ hai bên bờ sông Nile.

Thần Set vốn là người cai quản cõi âm ty địa ngục, còn thần Osiris là người cai quản vùng đồng bằng tượng trưng cho dương thế. Sự xung đột của hai vị thần này đã thể hiện những hiểu biết của người Ai Cập cổ đại về sự mất cân bằng trong thế giới tự nhiên và đời sống xã hội. Cái xấu và cái ác luôn chờ thời cơ để trỗi dậy, hủy hoại những điều tốt đẹp.

Người Ai Cập cổ đại không áp đặt một hình tượng hoàn mỹ, không khiếm khuyết cho các vị thần mà họ tôn kính và thờ phụng. Điều này khá giống với quan niệm của người Hy Lạp cổ đại về thần linh. Với họ, thần linh vẫn là đấng tối cao, nhưng các vị thần này không hề hoàn hảo.

Mối liên hệ giữa thần thoại và luật pháp

Người Ai Cập cổ đại đã xây dựng được một hệ thống luật pháp khá quy củ và toàn diện. Hệ thống các điều luật và hình phạt ở xã hội cổ đại của người Ai Cập rất chặt chẽ, đảm bảo sự nghiêm minh, để người vô tội không bị oan ức và kẻ phạm pháp nhận hình phạt thích đáng. Những quan niệm về tầm quan trọng của việc thi hành pháp luật này đã được thể hiện rõ nét trong thần thoại.

Khi thần Set ra tay giết hại anh trai và muốn chiếm đoạt ngôi báu của cháu trai là Horus, một hội đồng thần linh đã được lập ra để xét xử Set và bảo vệ quyền lợi của Horus. Nhờ vậy, Set mới không dám làm càn. Chi tiết này chứng tỏ được người Ai Cập cổ đại đã ý thức được tầm quan trọng của luật pháp trong đời sống xã hội.

Trong thế giới cổ đại, Ai Cập là quốc gia mà người phụ nữ có địa vị tương đối cao. Không chỉ phụ nữ xuất thân từ gia đình quyền quý hay hoàng tộc được coi trọng, mà ngay cả những người phụ nữ bình dân cũng được hưởng nhiều quyền lợi về kinh tế, luật pháp và giao tiếp xã hội như nam giới.

Phụ nữ Ai Cập có quyền sở hữu tài sản riêng, được hưởng một phần tài sản của hai vợ chồng và được quyền làm di chúc để lại số tài sản cho bất kỳ ai. Trong gia đình, người phụ nữ được bình đẳng với chồng, có quyền truy tố chồng ra tòa và ly dị, nhất là trong những trường hợp bị đối xử tệ.

Bởi vậy, trong thần thoại của người Ai Cập cổ đại, các nữ thần cũng có một vị trí rất quan trọng. Nữ thần Isis, vợ của thần Osiris sẵn sàng đứng trước hội đồng thần linh để tranh luận, giành lại quyền thừa kế cho con trai của nàng là Horus. Quyền lợi của nàng và con trai cũng được hội đồng thần linh bảo vệ.

Người Ai Cập cổ đại hiểu được rằng luật pháp như tấm khiên, bảo vệ những người yếu thế trước nanh vuốt của kẻ ác. Mặt khác, chính pháp luật đóng vai trò như một đấng thần linh để chế ngự cái ác trong mỗi con người.

Thần thoại Ai Cập không chỉ là tác phẩm văn học dân gian, nó chứa đựng nhiều giá trị về lịch sử và văn hóa. Thông qua những câu chuyện về thần linh, các vị pharaoh và anh hùng, độc giả thấy được tư duy tiến bộ và bình đẳng của những con người đến từ sông Nile trong nhiều mặt của đời sống.

Cập nhật: 30/12/2022 Zing
  • 391