Máy ảnh "khủng" săn năng lượng tối

  •  
  • 1.178

Máy ảnh Năng lượng tối của Phòng thí nghiệm Fermilab (Mỹ) đã chụp được những bức ảnh đầu tiên trong lần chạy thử trước khi khởi động Khảo sát Năng lượng tối vào tháng 12/2012.

Nỗ lực mới nhất nhằm săn tìm năng lượng tối đã khởi động, với thiết bị chủ lực là máy ảnh khổng lồ được lắp trên đỉnh núi ở Chile. Đây cũng là chiếc camera thiên văn mạnh nhất từng được chế tạo từ trước đến nay.

Một trong những hình chụp đầu tiên của DECam, thiên hà xoắn ốc NGC 1365 cách Trái đất 60 triệu năm ánh sáng
Một trong những hình chụp đầu tiên của DECam, thiên hà
xoắn ốc NGC 1365 cách Trái đất 60 triệu năm ánh sáng

Theo The Wired, Dark Energy Survey Collaboration, nhà điều hành Máy ảnh Năng lượng tối 570-megapixel (DECam) đã tung ra hàng triệu bức ảnh đầu tiên cho phép giới thiên văn học nghiên cứu về những lực tác động bí ẩn đang lèo lái sự tiến hóa của vũ trụ.

“Nó hoạt động giống như các camera kỹ thuật số khác, chỉ lớn hơn gấp nhiều lần, nhạy hơn vô số lần và được đặt trên đỉnh kính viễn vọng lớn”, theo nhà thiên văn học Josh Frieman thuộc Đại học Chicago, Giám đốc chương trình Khảo sát Năng lượng tối.

Trong 5 năm tới, camera trên được lắp vào kính viễn vọng Blanco nằm tít trên đỉnh núi ở sa mạc Atacama của Chile, nơi ít bị ô nhiễm ánh sáng nhân tạo, sẽ đảm nhận trách nhiệm chụp ảnh của ít nhất 300 triệu thiên hà.

DECam, được chế tạo ở Fermilab, đủ nhạy để phát hiện ánh sáng phát ra từ đối tượng cách đó 8 tỉ năm ánh sáng, và có thể chụp đến 100.000 thiên hà trong một lần ngắm.

Sau khi phân loại thiên hà dựa vào tuổi, hình dạng và khoảng cách đối với Trái đất, những nhà thiên văn học sẽ nắm được dữ liệu cần thiết để giải thích tại sao các thiên hà cuộn xoắn và tụ hội với nhau, cũng như vũ trụ đang giãn nở như thế nào.

Theo Thanh Niên
  • 1.178