Cách đây vài năm, để sở hữu một máy nghe nhạc cá nhân kỹ thuật số (quen gọi là máy MP3) không phải dễ và phải tốn ít nhất vài triệu đồng. Nhưng giờ đây giá máy đã hạ một cách bất ngờ.
Trên quầy bán các thiết bị kỹ thuật số, hàng nhái đã xuất hiện và nhiều nhất thuộc nhóm hàng giải trí cá nhân...
Đủ mặt anh tài
Chỉ cần nhắc đến tên của các đại gia này, ai cũng biết đó là những tên tuổi lớn trên toàn cầu như Sony, Sanyo, Samsung, Panasonic, Toshiba (điện tử gia dụng, kỹ thuật số), Nokia (điện thoại di động), Dell (máy tính), Creative (card đồ họa dành cho máy tính)…
Trong những tên tuổi đó có những hãng hiện đang sản xuất những mặt hàng kỹ thuật số, chủ yếu là máy nghe nhạc MP3 và xem phim cá nhân (gọi tắt là máy MP4) như Samsung, Sony, Creative... Sản phẩm của họ được gọi là hàng cao cấp vì âm thanh và chất lượng cũng như chế độ bảo hành được xếp vào hàng chuẩn, và tất nhiên trị giá sản phẩm khoảng vài triệu trở lên.
Các đại gia còn lại, theo thông tin chúng tôi tìm hiểu, không tham gia sản xuất mặt hàng máy chơi nhạc, xem phim cá nhân nhưng máy nghe nhạc MP3, xem phim MP4 mang tên tuổi họ đang đầy rẫy trên quầy của các cửa hàng, siêu thị số đến mức khi đến đây chỉ cần nói: “Lấy cho một cái MP3 Nokia” là người bán hiểu khách hàng muốn mua một máy nghe nhạc MP3 do “Nokia” sản xuất!?
Trưởng phòng kinh doanh một công ty kinh doanh thiết bị máy tính tại TP.HCM thừa nhận: cứ kéo tên đại như vậy để khách hàng tưởng chừng mặt hàng này phong phú nhãn hiệu, đa dạng về chủng loại... Nhưng quan trọng hơn cả là thỏa mãn nhu cầu muốn mua hàng “xịn” của khách hàng.
Tràn ngập hàng nhái!
Đã có một thời Sony Việt Nam “điên đầu” vì tên tuổi của họ bị lợi dụng để dán lên những sản phẩm kỹ thuật số, mà chủ yếu là máy MP3. Tuy có khác về mẫu mã nhưng ưu thế của nhóm hàng nhái là giá cực kỳ rẻ: loại dung lượng 128MB chỉ 500.000 - 600.000 đồng tùy theo cửa hàng với các “thương hiệu” như Sony, Sunny mà trong bảng báo giá ghi rõ là Sony! Trong khi đó, hàng chính Hãng Sony với dung lượng trên có giá khoảng 2,6 triệu đồng.
Sau khi các cơ quan chức năng vào cuộc, sản phẩm MP3 nhái thương hiệu Sony không còn xuất hiện trên quầy các siêu thị lớn nữa, thay vào đó lại tràn ngập những thương hiệu đã quá nổi tiếng như Nokia, Dell, Toshiba, Sanyo... với giá rẻ đến bất ngờ: Sanyo MP3 dung lượng 128MB với sáu chức năng: nghe nhạc MP3, ghi âm, lưu trữ dữ liệu… chỉ khoảng 700.000đ, MP4 Nano 256MB (được sản xuất tại Trung Quốc nhưng kiểu dáng không khác gì sản phẩm iPod của Apple) dùng để xem phim chỉ có giá 1 triệu đồng, Panasonic 256MB MP4 có giá 1,675 triệu đồng, Nokia 256MB MP4 có giá 1,228 triệu đồng...
Thậm chí có loại hàng nhái mà tính năng của nó đã được nâng cấp đến ngay nhà sản xuất chính thức cũng không ngờ: “chú nhái” Creative MP3 và MP4 xuất hiện kèm theo camera với độ phân giải 2 megapixel trong khi máy chính Hãng Creative không có camera! Những mặt hàng nhái này đều có sẵn trên quầy của bất kỳ siêu thị máy tính nào, sẵn sàng phục vụ nhu cầu của khách hàng “sành điệu”.
Tất nhiên không khó để nhận ra sự khác biệt giữa hàng nhái và hàng chính hãng là giá! Giải thích về giá của các mặt hàng kỹ thuật số Sony, anh Vũ Quốc Tuấn, trưởng phòng đối ngoại của Sony Việt Nam, cho biết: “Nguyên nhân chính là do thuế suất nhập khẩu mặt hàng này cao quá! Vì chưa có dây chuyền lắp ráp nên các loại máy MP3 của Sony phải nhập nguyên chiếc với thuế suất 50%. Thuế suất nhập khẩu như vậy nên giá cao là điều dễ hiểu”.
Trong khi đó, thương hiệu Samsung chưa đến nỗi bị nhái tràn lan như Sony nhưng không ít người mua đã bị “bé cái nhầm” khi tiền bỏ ra thuộc “hàng chính hãng”, còn sản phẩm thuộc nhóm hàng do “hợp tác xã” ở một tỉnh nào đó xa lơ xa lắc bên Trung Quốc sản xuất.
Cho dù độ tinh xảo của các “hợp tác xã” này cũng thuộc đẳng cấp “pro” (nếu nhìn thoáng qua và không có sự hướng dẫn của chính người bán thì khó phân biệt đâu là hàng giả, hàng nhái) nhưng cũng còn khá nhiều điểm để phân biệt với hàng chính hãng. Theo kinh nghiệm một người bán hàng cho biết: hàng chính Hãng Samsung bao giờ cũng dùng định dạng MP4 để chuyển đổi các file định dạng khác, trong khi các dòng máy nhái thương hiệu Samsung lại dùng định dạng DMV.
Ngoài ra, ở hàng nhái, các bộ phận như cổng giao tiếp USB, loa, các phím bấm... dễ bị rơi rụng ra ngoài hoặc lung lay như “răng bà lão”; nguồn điện hay bị mất, phần mềm thường bị lỗi... Riêng về giao diện của phần mềm hàng nhái, chữ thường bị vỡ nét, nhỏ. Với những ai đã từng sử dụng hàng nhái, không bao giờ tìm ra website hoặc nếu tìm ra cũng không có model đó để hỗ trợ người sử dụng nâng cấp firmware (phần mềm điều khiển máy) và driver cài đặt trên máy tính nếu sử dụng hệ điều hành Win 98.
Máy chơi nhạc giả, nhái đang gia tăng vì thị phần của nó hướng đến người sử dụng có thu nhập thấp. Giá có rẻ thật nhưng hãy coi chừng “tiền mất tật mang”...
THIỆN VŨ