Các đám mây thấp bao phủ các đại dương của Trái đất có thể dần bị phá vỡ rồi biến mất trong thế kỷ tới do mức carbon dioxide trong khí quyển gia tăng chóng mặt.
Nghiên cứu mới do Viện Công nghệ California (Mỹ) dẫn đầu cho thấy nồng độ carbon dioxide (CO2) cao hơn 1.200 ppm có thể đẩy Trái đất đến một "điểm bùng nổ" mà các đám mây tầng thấp đang bao phủ các đại dương sẽ trở nên không còn ổn định. Chúng có thể dần bị phá vỡ rồi biến mất hoàn toàn.
Mây tầng thấp bao phủ các đại dương của Trái đất có thể biến mất nếu mức CO2 trong không khí tiếp tục tăng cao - (ảnh: REUTERS).
Cho dù số liệu mới nhất vào tháng 4-2018 cho thấy mức CO2 trung bình hằng tháng của Trái đất mới là 410 ppm nhưng các nhà khoa học cảnh báo với tốc độ ô nhiễm hiện nay, ngưỡng nguy hiểm trên có thể đến vào thế kỷ tới.
Mây biến mất, Trái đất mất một lớp "áo giáp" chống lại ánh nắng mặt trời, có thể gây ra hiện tượng tăng đột biến nhiệt độ toàn cầu từ 5oC - 8oC. Hiện tượng biến đổi khí hậu kinh hoàng này đã từng xảy ra trong quá khứ, chính là giai đoạn nóng lên cực độ 56 triệu năm trước, trong kỷ Paleocene-Eocene, gây tuyệt chủng hàng loạt sinh vật cỡ lớn trên Trái đất và khiến nhiều loài khác phải di cư.
Tuy nhiên, nghiên cứu cũng chỉ ra các đám mây có thể giành lại được vị trí nếu ngưỡng CO2 giảm xuống dưới mức nguy hiểm. Các thống kê cho thấy lượng khí thải CO2 trong khí quyển Trái đất bắt đầu tăng vọt kể từ thời thế giới bước vào cách mạng công nghiệp.