Không chỉ Hà Nội mà cả các tỉnh lân cận cũng đang chịu ảnh hưởng của dịch đau mắt đỏ. Số người mắc bệnh tăng rất nhanh trong điều kiện thời tiết nắng nóng. Bác sĩ Hoàng Cương, Bệnh viện Mắt Trung ương, cho biết suốt 5 năm qua mới có một đợt dịch lớn và kéo dài như vậy.
Bác sĩ Cương đang khám cho bệnh nhân đau mắt đỏ ở BV Mắt trung ương. (Ảnh: Hoàng Hà) |
Bác sĩ Hoàng Cương cho biết, trẻ em chiếm khoảng một nửa số bệnh nhân đau mắt đỏ. Một số trẻ bị chảy máu mắt do dụi nhiều, làm rách giả mạc trong mắt.
Nội thành Hà Nội là nơi đông bệnh nhân nhất do mật độ dân số đông, mức độ giao tiếp cao hơn, tạo điều kiện cho virus lây lan. Các tỉnh lân cận như Hưng Yên, Hòa Bình, Hà Tây, Hải Phòng... cũng có rất nhiều người đến khám. Ngay cả nhân viên y tế của bệnh viện cũng nhiều người bị đau mắt đỏ. Toàn bộ phòng bảo vệ đều đã mắc bệnh này.
Tác nhân gây dịch đau mắt đỏ là virus adeno, vốn phát triển mạnh trong môi trường nắng nóng và rất dễ lây lan. Virus lây qua nhiều con đường như tiếp xúc tay - mắt (tay dụi mắt rồi cầm nắm đồ vật, bắt tay người khác...), đường hô hấp và cả đường tình dục. Những người có sức đề kháng yếu và trẻ em là đối tượng dễ mắc bệnh nhất.
Các triệu chứng xuất hiện nhanh và rầm rộ. Buổi tối đi ngủ vẫn bình thường, sáng hôm sau mắt đã sưng đỏ, cộm, chảy nước mắt, có dử... Theo bác sĩ Cương, có thể trước đó bệnh nhân có dấu hiệu sốt nhẹ, đau họng, sưng hạch tai, cằm... nhưng không để ý.
Thông thường, bệnh bắt đầu ở một mắt, khoảng 3-5 ngày sau thì lây sang mắt bên kia. Từ ngày thứ 7, bệnh bắt đầu nhẹ đi dù có điều trị tích cực hay không và đến ngày thứ 10 thì khỏi hẳn.
Cách điều trị là rửa mắt bằng nước muối sinh lý 8-10 lần mỗi ngày để loại mầm bệnh ra khỏi mắt. Ngoài ra, cần nhỏ thuốc Clorocid, Chlorophenicol... ngày 4-6 lần, riêng trẻ nhỏ và phụ nữ có thai dùng Tobramycine vì thuốc này an toàn hơn.
Bác sĩ Cương khuyến cáo không được nhỏ bừa bãi các thuốc chứa chất co mạch mạnh như Osla, V-Rhoto (vì dễ làm liệt mạch, gây sưng phù dữ dội và chảy máu), các thuốc corticoid như Polydexa, Clodexa, Nelidexa (tuy giúp bệnh nhân dễ chịu nhưng lại làm tổn thương giác mạc).
Người bệnh cũng không được xông tinh dầu nóng và lá trầu không vì các thứ nóng gặp nhau sẽ khiến bệnh nặng hơn, thậm chí gây chảy máu. Việc xông các loại lá mát như lá dâu, lá tre... sẽ giúp dễ chịu nhưng cũng không được khuyến khích vì mắt đau cảm nhận về nhiệt rất kém, dễ gây nguy hiểm. Bệnh viện Mắt Trung ương từng tiếp nhận một ca bỏng giác mạc do xông bằng nồi cháo, hơi quá nóng mà không nhận biết.
Việc điều trị sai hoặc giữ vệ sinh kém còn có thể dẫn đến các biến chứng như viêm giác mạc chấm, viêm giác mạc dưới biểu mô, sẹo giác mạc gây mù...
Phòng bệnh bằng cách rửa tay và rửa mắt
Để tránh lây lan đau mắt đỏ, cần cách ly tối đa người bệnh. Người mắc bệnh này nên nghỉ học, nghỉ làm. Bác sĩ Cương cho biết, ngay cả khi đã khỏi, họ vẫn có khả năng lây bệnh cho người khác trong khoảng 1 tuần nữa. Tuy nhiên, trên thực tế, việc cách ly triệt để rất khó; đó là chưa kể nhiều người bị đau mắt mà vẫn đến các trung tâm mua sắm, giải trí, làm dịch lây lan nhanh.
Nếu đã tiếp xúc với người bệnh, nên rửa tay bằng xà phòng thường xuyên. Những vật dụng có nhiều người chạm vào như tay vịn bàn ghế, cầu thang, bảng thang máy, điện thoại... cần được làm sạch thường xuyên. Cồn, ê-te không diệt được virus adeno, vì vậy cần sử dụng xà phòng và các dung dịch chứa Clo. Nếu không được làm sạch, virus này có thể tồn tại trên đồ dùng vài ngày.
Bác sĩ Hoàng Cương cũng khuyên những người đã khỏi bệnh đau mắt đỏ không nên chủ quan vì type virus gây bệnh này có thời gian miễn dịch rất ngắn, trong vòng 1 tháng, có những người mắc bệnh đến 2 lần.
Thanh Nhàn