Mở rộng nghiên cứu bãi cọc Cao Quỳ

  •  
  • 344

TP Hải Phòng phối hợp với các nhà khoa học tiếp tục xác định quy mô bãi cọc Cao Quỳ và tìm chứng tích lịch sử.

Bãi cọc cổ Cao Quỳ.
Bãi cọc cổ Cao Quỳ. (Ảnh: Giang Chinh).

Ngày 29/12, đoàn nghiên cứu thuộc Viện khảo cổ học Việt Nam và một số nhà khoa học đã đưa nhiều thiết bị về bãi cọc Cao Quỳ, xã Liên Khê, huyện Thủy Nguyên để tiếp tục khảo sát khu vực này.

Theo TS Nguyễn Gia Đối - Quyền Viện trưởng Viện Khảo cổ học Việt Nam, các kỹ thuật tiên tiến sẽ được sử dụng để để xác định rõ quy mô, cũng như tìm thêm những chứng tích lịch sử ở Cao Quỳ.

Chủ tịch UBND TP Hải Phòng Nguyễn Văn Tùng thông tin thêm, trước mắt thành phố cùng các nhà khoa học tập trung nghiên cứu bãi cọc Cao Quỳ; sau khi có kết quả, thành phố sẽ mở rộng nghiên cứu sang các khu vực khác được cho liên quan đến chiến thắng Bạch Đằng Giang của quân và dân nhà Trần.

Các nhà khoa học đưa thiết bị phục vụ nghiên cứu về bãi cọc Cao Quỳ.
Các nhà khoa học đưa thiết bị phục vụ nghiên cứu về bãi cọc Cao Quỳ. (Ảnh: Hậu Hiếu).

Cùng ngày, trong cuộc làm việc với Thường trực Thành uỷ Hải Phòng, giới chuyên môn tiếp tục nhận định, việc phát lộ bãi cọc Cao Quỳ đã "mở ra hướng nghiên cứu mới về chiến dịch Bạch Đằng Giang".

GS Mai Trọng Nhuận cho rằng, việc phục dựng lại hệ thống thủy văn, phạm vi bãi cọc Cao Quỳ, bãi bồi ven sông cũng như trầm tích, diện mạo của khu vực... có ý nghĩa rất quan trọng. Còn theo GS Vũ Minh Giang, quá trình khảo cổ cần chú ý đến giả thuyết có những vật chứng như tàu đắm, vũ khí... trước khu vực phát hiện bãi cọc.

Bí thư Thành uỷ Hải Phòng Lê Văn Thành đề nghị đoàn nghiên cứu tiếp tục thăm dò, khảo sát quy mô bãi cọc theo trọng tâm; đồng thời yêu cầu các ngành chức năng khẩn trương rà soát, điều chỉnh quy hoạch trong khu vực; làm các thủ tục công nhận bãi cọc Cao Quỳ là di tích cấp thành phố, tiến tới đề nghị Nhà nước công nhận đây là di tích đặc biệt cấp quốc gia.

Trước đó, TS Bùi Văn Hiếu - người chủ trì khai quật bãi cọc Cao Quỳ cho hay, vừa qua Viện Khảo cổ học không chỉ lấy các mẫu gỗ để làm giám định đồng vị phóng xạ Cacbon 14, mà còn lấy mẫu đất địa tầng để phân tích, xác định niên đại. Từ kết quả khảo cổ ban đầu kết hợp với tư liệu lịch sử, có thể nhận định "bãi cọc Cao Quỳ là một trận địa có niên đại cuối thế kỷ thứ 13, nhiều khả năng liên quan đến trận chiến chống quân Nguyên năm 1288 của quân dân nhà Trần".

Ông Hiếu khẳng định, nhằm đảm bảo khách quan, Viện Khảo cổ học sẽ gửi các mẫu gỗ ở bãi cọc Cao Quỳ đến một đơn vị khác trong nước và ra nước ngoài để làm giám định đồng vị phóng xạ Cacbon 14.

PGS Tống Trung Tín - Chủ tịch Hội Khảo cổ học Việt Nam nói, các nhà nghiên cứu và công chúng đều mong muốn bãi cọc Cao Quỳ là một trận địa nằm trong chiến dịch Bạch Đằng thời nhà Trần.

Tuy nhiên, ông Tín cho rằng giới chuyên môn cần thận trọng hơn bằng cách tiếp tục mở rộng khai quật và phân tích; đồng thời, nên sớm gửi các mẫu gỗ đi giám định tại một số trung tâm khảo cổ học uy tín ở nước ngoài.

Cập nhật: 30/12/2019 Theo VnExpress
  • 344