Mối liên hệ chặt chẽ giữa chỉ số EQ và IQ

  •   3,73
  • 7.780

(khoahoc.tv) - Một cuộc nghiên cứu mới chỉ ra rằng trí tuệ cảm xúc và trí thông minh có thể có mối liên hệ mật thiết với nhau hơn là người ta nghĩ trước đây.

Theo kết quả kiểm tra chỉ số IQ (chỉ số thông minh) và EQ (chỉ số cảm xúc - khả năng nhận thức, hiểu và điều tiết cảm xúc của chính mình hoặc của người khác) của một nhóm cựu chiến binh Việt Nam, hai chỉ số này có mối liên hệ với nhau. Kết quả quét não cũng cho thấy các vùng não bộ giống nhau dường như thực hiện cả hai chức năng cảm xúc và nhận thức. Các phát hiện mới đã được công bố trên tạp chí Social Cognitive & Affective Neuroscience.

Mối liên hệ chặt chẽ giữa chỉ số EQ và IQ

“Trong một mức độ nào đấy, trí óc phụ thuộc vào những khả năng nhận thức cơ bản, như sự tập trung, nhận thức, trí nhớ và ngôn ngữ”, nhà nghiên cứu Aron Barbey đến từ trường Đại học Illinois cho biết: “Nhưng nó cũng phụ thuộc vào sự tương tác với người khác. Về cơ bản, con người là động vật xã hội, sự hiểu biết của chúng ta không chỉ liên quan đến những khả năng nhận thức cơ bản mà còn có liên quan đến việc vận dụng hiệu quả những khả năng này vào trong các tình huống để có thể điều chỉnh đời sống xã hội và hiểu biết về người khác”.

Trước đây, các nhà khoa học tin rằng trí tuệ cảm xúc và trí thông minh có sự khác biệt rõ ràng.

Thế nhưng Barbey và các đồng nghiệp của ông đặt ra câu hỏi rằng liệu trí tuệ cảm xúc và chỉ số thông minh có sự ràng buộc với nhau? Để trả lời câu hỏi này, nhóm nghiên cứu đã sử dụng kết quả kiểm tra chỉ số cảm xúc và chỉ số thông minh của 152 cựu chiến binh Việt Nam. Nhóm nhận thấy rằng chỉ số IQ tăng lên tương ứng với chỉ số cảm xúc.

Tiếp đó, các nhà nghiên cứu tiến hành chụp quét não các cựu chiến binh. Những người này đã từng bị tổn thương ở những vùng não bộ khác nhau, do đó các nhà nghiên cứu đã vẽ ra một bản đồ não bộ và chia nhỏ thành các vùng khác nhau. Sau đó họ đem so sánh kết quả kiểm tra chỉ số EQ và IQ giữa những người bị thương và không bị thương đối với từng phân vùng của não bộ.

Những người bị thương ở thùy trước và thùy đỉnh của não có sự khiếm khuyết ở cả trí tuệ cảm xúc và trí thông minh. Thùy trước đóng vai trò quan trọng trong việc điều khiển hành vi, việc lập kế hoạch và trí nhớ, trong khi thùy đỉnh có vai trò trong vấn đề nhận thức ngôn ngữ.

Như vậy cuộc nghiên cứu cho thấy trí thông minh và sự hiểu biết xã hội có sự ràng buộc đối với nhau.

Phạm Thị Bích Thu (Livescience)
  • 3,73
  • 7.780