Mỗi ngày thế giới mất 20.000 ha rừng

  •  
  • 322

FAO: Đất trồng suy kiệt do nước ngầm nhiễm thạch tín

Phóng viên TTXVN tại Liên hiệp quốc dẫn báo cáo của Tổ chức Nông nghiệp và Lương thực LHQ (FAO) cho biết việc sử dụng nguồn nước ngầm nhiễm thạch tín trong nông nghiệp có thể dẫn đến hiện tượng làm suy kiệt đất trồng trọt, giảm năng suất cây trồng và tăng dư lượng thạch tín trong rau quả.

(Ảnh: Flickr)
Theo báo cáo trên, nguồn nước ngầm nhiễm thạch tín đang đe dọa sức khỏe của 30 triệu người dân Bangladesh. Ước tính mỗi năm có khoảng 1.000 tấn thạch tín bị nhiễm vào đất trồng trọt ở Bangladesh qua đường nước tưới.

Một quan chức FAO phụ trách về chất lượng nước và môi trường cũng cho biết ở những nơi nào có dư lượng thạch tín cao trong nước và đất thì dư lượng thạch tín trong cây trồng và lương thực cũng tăng lên, nhất là ở gạo.

Theo FAO, từ những năm 1990, ô nhiễm thạch tín trong nước ngầm đã được coi là một vấn đề sức khỏe ở Bangladesh, Trung Quốc và Ấn Độ, và gần đây là ở Campuchia, Iran, Myanmar, Nepal và Pakistan.

Để giảm thiểu tình trạng này, các nước cần phải tăng cường hiệu quả sử dụng nước và thay đổi cơ cấu cây trồng như trồng những giống cây cần ít nước tưới hơn.

Ngoài ra, FAO cũng dự kiến sẽ đưa vấn đề tác dụng phụ của nước dùng, trong đó có tình trạng nước bị ô nhiễm thạch tín, ra thảo luận tại Hội thảo khu vực châu Á về nông nghiệp và chất lượng nguồn nước, sẽ tiến hành tại Thượng Hải vào tháng 5-2007.

Mỗi ngày thế giới mất 20.000 ha rừng

Sự tàn phá rừng là một trong những nguyên nhân chính gây biến đổi khí hậu và điều nguy hiểm là tình trạng chặt phá rừng bừa bãi ngày càng trở nên không thể kiểm soát được. Mỗi ngày thế giới mất 20.000 ha rừng, mỗi năm mất 7,3 triệu ha rừng. Lời cảnh báo trên được đưa ra tại Hội thảo về Quản lý bền vững và Hợp tác vì sự phát triển, được tổ chức tại Tây Ban Nha.

Giám đốc Tài nguyên rừng của FAO, ông Jose Antonio Pardo cho biết 60% hoạt động tàn phá rừng xảy ra ở Brazil và Indonesia, trong khi ở châu Phi, có tới 94% lượng gỗ bị chặt phá chỉ dùng làm củi đốt mặc dù các tiến bộ kỹ thuật hoàn toàn cho phép thay thế loại nhiên liệu này.

FAO cho biết sẽ xây dựng một quy chế lâm nghiệp mới và sẽ chuyển tới tất cả các nước để áp dụng.

Theo TTXVN
  • 322