Thiệt hại đó là do virus gây ra. Theo Trung tâm an ninh mạng Đại học Bách Khoa HN (BKIS), tỷ lệ máy tính trong nước bị lây nhiễm có giảm nhưng vẫn cao: 93% với hơn 16 triệu lượt PC bị "dính". Năm 2007 khởi đầu với hơn 300 mã độc mới xuất hiện vào tháng 1.
Tổng kết của BKIS cho thấy năm 2006 kết thúc với những con số đáng lo ngại về tình hình sâu máy tính tại Việt Nam: 880 virus mới (bình quân 2,4 loại lộ diện mỗi ngày), gấp gần 4 lần so với số liệu năm 2005. "Bình quân thiệt hại do virus gây ra đối với mỗi người sử dụng là khoảng 488.000 đồng/năm", ông Vũ Ngọc Sơn, Trưởng phòng virus của BKIS, cho biết. "Năm nay khởi đầu với con số còn đáng báo động hơn: trung bình mỗi ngày của tháng 1 có tới hơn 10 sâu mới xuất hiện".
Tháng vừa qua có 376.000 máy tính bị nhiễm spyware và adware. Đa số các trường hợp đều có nguyên nhân truy cập vào các website độc hại. "Điều đáng nói là khi gặp sự cố spyware, adware, người sử dụng thường lựa chọn giải pháp xử lý là cài đặt lại máy tính. Đây là cách làm không hiệu quả vì ngoài việc mất thời gian, công sức, tiền bạc để cài đặt lại máy tính, người sử dụng còn có thể bị mất đi những dữ liệu quan trọng do những sơ suất không tính trước được xảy ra trong quá trình cài đặt", ông Sơn nói. "Giải pháp tốt nhất là gọi điện để tham khảo tư vấn của các chuyên gia để tiết kiệm thời gian, công sức và không cần phải cài lại máy tính, tránh rủi ro".
Flashy tiếp tục là virus lây nhiều nhất tại VN thời gian qua. Chương trình phát tán chủ yếu qua USB này đã truyền nhiễm tới hơn 1,1 triệu máy tính tại Việt Nam từ khi xuất hiện tới nay. Trong khi đó, virus qua Yahoo!Messenger cũng không chịu kém phần khi "chui" được vào 195.000 PC.
Cũng trong tháng đầu năm nay đã có tới 20 website VN bị hacker tấn công. Các vụ hack này được thực hiện theo 3 hình thức, giống như 350 trường hợp của năm ngoái.
Phương thức thứ nhất là tấn công trực tiếp: hacker khai thác các lỗ hổng của website sau đó kiểm soát website này. Cách thứ hai là gián tiếp, kẻ xấu lợi dụng lỗ hổng từ một trang web, sau đó tìm cách kiểm soát các site khác nằm trên cùng máy chủ hoặc nằm trên các máy chủ lân cận. Và cuối cùng là "đánh thẳng" vào tên miền, tìm cách trỏ domain của website sang địa chỉ IP khác nhằm chuyển hướng người duyệt.
"Theo quan sát của chúng tôi, một phần do kinh phí eo hẹp, phần khác cũng do thái độ thờ ơ với an ninh nên hiện nhiều cơ quan, doanh nghiệp vẫn thường đặt những website thiết yếu của mình cùng server với các trang web khác không quan trọng", ông Quảng phân tích. "Vấn đề là hacker có thể không tìm được lỗ hổng trong website mục tiêu tấn công, nhưng lại có thể dễ dàng moi được những điểm yếu 'chết người' tại các site ít quan trọng và ít được quan tâm về an ninh trên cùng server. Các cuộc đánh chiếm sẽ bắt đầu từ đây rồi leo thang mở rộng để chiếm quyền điều khiển toàn bộ server".
10 virus lây lan nhiều nhất trong tháng 1 | ||
STT |
Tên Virus |
Tỉ lệ lây nhiễm |
1 |
W32.Flashy.Worm |
4,42 % |
2 |
W32.CatchYM.Worm |
3,95 % |
3 |
W32.PerlovegaA.Worm |
3,49 % |
4 |
W32.RavMonE.Worm |
3,33 % |
5 |
W32.PerlovegaB.Worm |
3,09 % |
6 |
W32.TufikB.PE |
2,94 % |
7 |
W32.Rontokbro.Worm |
2,11 % |
8 |
W32.DakNongB.Worm |
1,94 % |
9 |
W32.RontokbroE.Worm |
1,66 % |
10 |
W32.Dragon.Worm |
1,64 % |