Tân Hoa xã dẫn báo cáo của các nhà khoa học thuộc Viện nghiên cứu Pasteur (Pháp) cho biết, một số loại virus có thể “câu kết” với nhau, hình thành kết cấu phức tạp tương tự như màng sinh vật của vi khuẩn.
Kết cấu này làm gia tăng hiệu suất lan truyền của virus trong cơ thể.
Nghiên cứu trên cho thấy sau khi virus bệnh ung thư máu Lymphocyte T-I xâm nhập vào tế bào, một số virus nằm ở bề ngoài tế bào sẽ kết hợp với virus cùng loại và hình thành kết cấu giống như màng sinh vật.
Kết cấu này bị khống chế bởi virus Lymphocyte T-I trong quá trình hình thành và hoạt động dựa vào vật chất đặc biệt do tế bào tiết ra.
Virus bệnh ung thư máu Lymphocyte T-I được phát hiện vào năm 1980 và là thủ phạm gây ra nhiều loại bệnh tật. Hiện tại các nhà khoa học đã biết được rằng, loại virus này chỉ có thể thông qua sự tiếp xúc giữa tế bào với tế bào trong cơ thể người bệnh mới có thể lan truyền được.
Theo các nhà khoa học, trong màng sinh vật của virus trên có một vật chất có chức năng như lớp màng bảo vệ. Chính vì có lớp màng bảo vệ hơn nữa lại ở trạng thái “câu kết” cho nên hiệu suất lan truyền giữa các tế bào của loại virus bệnh ung thư máu Lymphocyte T-I này cao hơn rất nhiều so với virus ở trạng thái đơn lẻ.
Nếu loại bỏ màng sinh vật của virus trên bề mặt tế bào bị truyền nhiễm thì loại virus này đã mất đi 80% khả năng lây truyền trong cơ thể. Điều này nói lên rằng hình thức hợp thành màng sinh vật có tác dụng quan trọng đối với sự lan truyền của loại virus này.
Các nhà nghiên cứu đang thử xác định xem liệu các loại virus khác có thể hợp thành hình thức “câu kết” này không. Nếu như sự “câu kết” này mang tính phổ biến và có lợi cho sự lan truyền virus, đồng nghĩa với việc tiêu diệt kết cấu này có thể sẽ trở thành một phương hướng trị liệu và nghiên cứu y học quan trọng trong tương lai./.