Hiện tượng này đang xuất hiện tại TP HCM và các tỉnh lân cận, rất nguy hại sức khỏe. Mắt và đường hô hấp là cơ quan bị tác động trực tiếp nếu không có biện pháp đối phó kịp thời.
Theo các chuyên gia, tác động rõ ràng nhất của hiện tượng mù khô là làm cản trở tầm nhìn, gây khó khăn trong vấn đề di chuyển, ách tắc và tai nạn giao thông. Đặc biệt, hiện tượng mù khô do khói bụi ô nhiễm lơ lửng ở lớp không khí gần mặt đất nên chắc chắn sẽ có ảnh hưởng trực tiếp theo hướng có hại đến sức khỏe người dân.
Theo dự báo, tình trạng này sẽ còn kéo dài trong vài ba ngày tới. Ngoài ra, thời điểm giao mùa như tháng 9-10-11, mù khô sẽ lặp lại nhiều lần. Điều này khiến nhiều người dân lo lắng.
BSCKI Vũ Thị Huyền Trang, Bệnh viện Tai - Mũi - Họng cho hay, khói bụi ô nhiễm môi trường rất có hại cho sức khỏe. Người bị nhiễm bụi có thể dẫn tới viêm nhiễm đường hô hấp trên như viêm họng, viêm mũi, thậm chí bội nhiễm dẫn đến các viêm hô hấp dưới như viêm phế quản, viêm phổi...
Theo bác sĩ Huyền Trang, với hàm lượng bụi đậm đặc trong không khí, những khẩu trang bình thường không thể bảo vệ mọi người khi tham gia giao thông. Do đó, người dân nên trang bị khẩu trang than hoạt tính để đảm bảo sức khỏe. Ngoài ra, sau khi trở về nhà, chúng ta nên dùng nước muối sinh lý để vệ sinh sạch sẽ mũi và súc miệng để ngăn ngừa bụi.
Còn theo thạc sĩ, bác sĩ chuyên khoa da liễu Lê Quốc Việt, Phòng khám da liễu, Bệnh viện Da liễu Hà Nội, bụi không khí do ô nhiễm hay mù khô không tác động ngay lập tức gây nên các bệnh về da nhưng chúng là nơi chứa nhiều mầm bệnh, tác nhân mang vi khuẩn, virus, nấm mốc vào cơ thể người nếu tiếp xúc lâu dài và tùy theo cơ địa của từng người. Hiện tượng này cũng khiến xáo trộn độ ẩm không khí, tác động không tốt đến da của chúng ta.
Ba tháp Thuận Kiều Plaza và một tòa nhà cao tầng ở khu vực quận 5 chìm trong sương mù chập tối 6/10.
TS.BS Đỗ Quang Ngọc, Bệnh viện Mắt Trung ương, cũng khuyến cáo, bệnh viện từng tiếp nhận rất nhiều trường hợp viêm nhiễm mắt, giác mạc do khí bụi. Do đó, bác sĩ khuyên những người dân đang bị tiếp xúc với hiện tượng mù khô cần nâng cao cảnh giác, bảo vệ mắt tốt hơn.
“Trong các bộ phận, mắt là nơi tiếp xúc trực tiếp và đầu tiên với bụi bặm ngoài môi trường. Chúng là tác nhân khiến mắt tiết nước gây viêm nhiễm đồng thời bụi có thể gây cộm, khó chịu, thậm chí trầy xước giác mạc nếu có góc cạnh”, bác sĩ Ngọc cho hay.
Để bảo vệ mắt, theo bác sĩ Ngọc, người dân cần đeo kính bảo hộ khi đi ra ngoài; vệ sinh mắt hàng ngày bằng nước muối; hạn chế di chuyển tới những vùng đang bị tác động của hiện tượng mù khô.
Bên cạnh đó, người dân còn có thể mắc các bệnh đường ruột do ô nhiễm môi trường gây ra như tiêu chảy cấp, tả, kiết lỵ, thương hàn, giun sán do ăn phải nguồn thức ăn không được bảo quản, che chắn tốt. Đặc biệt, trong thành phần khí thải có nhiều CO2, CO, chì và các hóa chất độc hại khác sẽ gây ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe nhất là tác động lên hệ hô hấp, tim mạch và thần kinh.
Ông Đặng Văn Dũng, Phó giám đốc Đài khí tượng thủy văn khu vực Nam Bộ (KTTV-NB) nhận định, lớp sương mù xảy ra ở TP HCM và một số tỉnh lân cận thực chất là do ô nhiễm môi trường.
Lượng khí thải, khói bụi khổng lồ thải ra từ các nhà máy, xí nghiệp và phương tiện giao thông tích tụ ở tầng không khí thấp sát mặt đất. Ngày bình thường, gió sẽ đẩy lớp khói bụi này lên cao. Hai ngày nay, gió mùa tây nam hoạt động yếu ở khu vực Nam Bộ. Vì thế, khói bụi không khuếch tán được, gây ra hiện tượng mù khô.
Chuyên gia khí tượng Lữ Thị Thu Trang cho biết thêm: “Bình thường sương mù hay gặp buổi sáng là hiện tượng các hạt nước li ti bay trong không khí làm giảm tầm nhìn. Còn mù khô không phải các hạt nước, mà là các hạt bụi, xuất hiện khi độ ẩm xuống dưới 75%. Không khí có quá nhiều bụi và khí thải, làm giảm tầm nhìn, sẽ tạo nên hiện tượng mù khô”.
So với sương mù, mù khô gây mức độ ô nhiễm môi trường nguy hiểm hơn. Mù khô càng mạnh, ô nhiễm càng cao, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe.
“Để khắc phục tình trạng này chỉ có cách làm cho môi trường trong sạch hơn và ít chất thải, cháy rừng hơn. Song, đất nước đang trong quá trình phát triển nên việc phát thải ngày càng nhiều. Do đó, hiện tượng này càng ngày càng dễ gặp”, bà Trang lo ngại.
Nguyên tắc sống chung với mù khô:
|