Mực khổng lồ dài hơn 3,5 mét dạt vào bờ biển Nam Phi

  •  
  • 291

Các nhà khoa học cho biết con mực khổng lồ trên bãi biển ở Nam Phi dài hơn 3,5 mét, có nhiều vết thương trên thân, nghi do bị tàu biển đâm trúng.

Xác mực khổng lồ dài hơn 3,5 mét dạt vào bãi biển Long Beach, Nam Phi.
Xác mực khổng lồ dài hơn 3,5 mét dạt vào bãi biển Long Beach, Nam Phi. (Ảnh: Alison Paulus)

Vừa qua, những người đi biển ở Long Beach, Kommetjie, Nam Phi, bắt gặp xác một con mực khổng lồ trên bãi cát. Theo Alison Paulus, cư dân tại Cape Town kiêm nhà sáng lập tổ chức bảo tồn động vật hoang dã Volunteer and Explore, thân mực dài khoảng 2,2 mét. Tính thêm xúc tu và các tay, con mực có thể dài tới 3,5 mét.

Mực khổng lồ là một trong những động vật không xương sống lớn nhất trên Trái Đất. Dù sở hữu kích thước khổng lồ nhưng chúng là một trong những loài động vật ẩn dật nhất hành tinh vì thường sống ở độ sâu từ 300 đến 1.000 mét, hiếm khi trồi lên mặt biển nên khó bị phát hiện. Đôi mắt to bằng chiếc đĩa thuộc hàng lớn nhất trong số mọi sinh vật sống giúp mực khổng lồ có thể quan sát dưới làn nước tối đen.

Trong nhiều thế kỷ, thông tin duy nhất mà các nhà khoa học có về loài sinh vật này đến từ việc nghiên cứu xác bị đánh dạt vào bờ hoặc phần còn sót lại trong dạ dày của cá nhà táng - kẻ thù ngoài tự nhiên của mực khổng lồ. Mãi đến năm 2004, con người mới lần đầu tiên quan sát được về loài mực khổng lồ này khi còn sống.

Xác con mực được phát hiện có nhiều vết thương sâu, nghi do tàu biển đâm trúng.
Xác con mực được phát hiện có nhiều vết thương sâu, nghi do tàu biển đâm trúng. (Ảnh: Alison Paulus)

Con mực mới được phát hiện mắc cạn vào ban đêm sau khi chịu nhiều vết thương, có thể do va chạm với tàu thương mại hoặc tàu đánh cá. Paulus và cộng sự tìm thấy một vết rách dài phía trên xúc tu của con vật, nhiều khả năng do chân vịt của thuyền gây ra. Các chuyên gia về động vật hoang dã xác nhận đây là một con mực cái và ước tính nó được khoảng hai tuổi khi nó chết. Mực khổng lồ có thể sống tới 5 năm và đạt chiều dài 13 mét. Nó có thể bị tàu đâm trúng khi ở trên mặt biển, theo Jon Friedman - cán bộ động vật hoang dã từ Hiệp hội ngăn chặn tội ác với động vật Cape of Good Hope (SPCA).

Thời điểm các chuyên gia SPCA đến hiện trường, những người đánh cá địa phương đã loại bỏ mắt và các phần xúc tu của con mực. Phần lớn những gì còn lại của xác mực khổng lồ được băm nhỏ và ném trở lại biển. Trước đó, các chuyên gia đã gửi một số mẫu mô đến Bảo tàng Nam Phi Iziko của Cape Town để phân tích ADN. Hiện nay, bảo tàng đang lưu giữ xác của 19 con mực khổng lồ khác.

Cập nhật: 13/05/2022 sao.baophapluat
  • 291