Mùi da nhựa ngột ngạt của những chiếc xe hơi mới khiến nhiều người khó thở, song chúng dường như chẳng có gì độc hại, mặc dù có thể làm tăng thêm sự dị ứng.
Các phân tử chịu trách nhiệm tạo ra thứ mùi này còn được gọi là những phân tử hữu cơ dễ bay hơi. Chúng thoát ra từ nhựa, vải tổng hợp, thảm, ghế ngồi, keo dính, sơn, những vật liệu làm sạch và các nguồn khác. Chỉ một phần nhỏ các chất dễ bay hơi này là ngửi thấy, còn đa số là không mùi.
Nhà độc học Jeroen Buters tại Đại học Kỹ Thuật Munich ở Đức và cộng sự đã điều tra ảnh hưởng của những chất này trong xe hơi lên sức khoẻ con người. Họ mô phỏng điều kiện khi mà các phân tử thoát ra nhiều nhất trong xe - khi xe đỗ dưới trời nắng nóng.
Buters và cộng sự trước hết thu thập các phân tử hữu cơ từ không khí trong một chiếc xe hơi mới và một chiếc xe cũ cùng hãng đã qua sử dụng 3 năm, đặt ở cùng một vị trí dưới ánh sáng 14.000 watt, nhiệt độ lên đến 65,5 độ C. Tiếp đó, họ cho các chất này tiếp xúc với các tế bào của người, chuột và chuột đồng trong phòng thí nghiệm. Đây là những đối tượg thường dùng để kiểm tra độc tính.
Nhóm nghiên cứu phát hiện mùi xe hơi mới dường như không độc. Nó chỉ làm tăng nhẹ phản ứng của hệ miễn dịch, điều có thể ảnh hưởng đến những người bị dị ứng, trong khi xe cũ không có hiện tượng này.
Buters cũng nghiên cứu "triệu ứng ốm công sở", tức là hiện tượng nhân viên dường như trở nên ốm sau khi làm việc trong những toà nhà mới, nơi mà không khí tràn ngập hơi chất hữu cơ.
Kỳ lạ thay, "nếu nồng độ các chất này trong toà nhà mới nhiều như trong chiếc xe mới, ngay lập tức bạn sẽ được gửi về nhà vì ốm".
Sự khác biệt này khiến Buters cho rằng: Có thể chính tư tưởng mới là quan trọng. "Người ta hạnh phúc khi vào một chiếc xe mới hơn là một nơi làm mới. Một nhân tố khác có thể là thông gió. Nếu trong xe có mùi, bạn có thể kéo cửa lên".
T. An