Người đứng đầu Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) hôm qua tuyên bố loài người vẫn cần năng lượng nguyên tử bất chấp cuộc khủng hoảng tại nhà máy điện Fukushima I của Nhật Bản và ý định từ bỏ năng lượng hạt nhân của một số nước.
AFP đưa tin bà Maria van der Hoeven, người vừa nhậm chức Giám đốc điều hành của IEA vào ngày 1/9, nói rằng một số quốc gia sẽ không thể đáp ứng được nhu cầu tiêu thụ điện nếu đóng cửa các nhà máy điện hạt nhân. Trong trường hợp các nước muốn thay thế năng lượng hạt nhân bằng năng lượng tái sinh (gió, ánh sáng mặt trời, thủy triều), họ phải chấp nhận thực tế là năng lượng tái sinh chưa thể đáp ứng nhu cầu về điện trong tương lai gần.
“Hiệu quả của năng lượng tái sinh đạt tới mức nào? Mức độ sử dụng năng lượng tái sinh trong giai đoạn hiện nay đến đâu? Chúng ta sẽ làm gì để năng lượng tái sinh nhanh chóng chiếm tỷ trọng lớn trong lượng cung điện trên thị trường năng lượng?”, bà Van der Hoeven nói.
Bà Maria van der Hoeven. (Ảnh: parool.nl)
Nhật Bản vẫn đang giải quyết hậu quả của cuộc khủng hoảng tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima I. Khủng hoảng phát sinh do hệ thống làm nguội các lò phản ứng tê liệt sau trận động đất và sóng thần hôm 11/3. Do nước không tới được các lò phản ứng, nhiên liệu hạt nhân nóng chảy và rò rỉ ra ngoài.
Sau sự cố tại Nhật Bản, Đức đóng cửa nhiều nhà máy điện hạt nhân. Chính phủ Đức cũng quyết định từ bỏ năng lượng hạt nhân vào năm 2022.
Mới đây quốc hội Italy bác bỏ kế hoạch tái khởi động chương trình hạt nhân của Thủ tướng Silvio Berlusconi. Động thái này cho thấy giới lập pháp Italy vẫn tỏ ra e ngại năng lượng nguyên tử sau cuộc khủng hoảng tại nhà máy điện Fukushima I.
Hồi tháng 5 chính phủ Thụy Sĩ cũng tuyên bố nước này sẽ xem xét khả năng từ bỏ năng lượng nguyên tử.
Mặc dù vậy, bà Van der Hoeven khẳng định năng lượng hạt nhân vẫn cần thiết đối với tương lai của loài người. "Nếu con người muốn giảm lượng khí CO2 trong tương lai, chúng ta chỉ có ba lựa chọn thực tế: năng lượng hạt nhân, năng lượng tái sinh và khí đốt", bà nói.
Mọi công nghệ năng lượng tái sinh hiện nay vẫn tạo ra khí thải gây hiệu ứng nhà kính. Chẳng hạn, các turbin gió không tạo ra khí thải trong quá trình hoạt động, song con người lại tạo ra khí CO2 trong quá trình sản xuất, bảo dưỡng, lắp đặt turbin.
Khí đốt vẫn tạo ra khí CO2, song lượng khí CO2 mà khí đốt tạo ra chỉ bằng một nửa so với than đá.
Các nhà máy điện hạt nhân có thể tạo ra khí CO2 trong quá trình xây dựng, song không tạo ra khí đó trong quá trình vận hành.