Nhiều nghiên cứu cho thấy sự tò mò của con người là động lực thúc đẩy sự tiến bộ của trí tuệ ngay từ khi chúng ta còn là những đứa trẻ chập chững khám phá thế giới.
"Tôi không có tài năng gì đặc biệt. Tôi chỉ có sự tò mò đầy nhiệt huyết". Câu nói nổi tiếng của Albert Einstein đã tóm gọn bản tính tò mò của con người chỉ trong 9 từ.
Nhưng điều có lẽ ông chưa nhận ra chính là sự quan trọng của tính tò mò không thể kiềm chế kia, khi mà nó là thứ giúp trí tuệ của chúng ta ngày một tiến bộ hơn.
Tính tò mò của con người thúc đẩy sự phát triển của trí tuệ.
Bạn có bao giờ tự hỏi rằng phải chăng bộ não luôn muốn biết nhiều hơn? Khi bạn là kẻ duy nhất được người bạn thân tin tưởng tiết lộ bí mật sâu kín, bạn có cảm thấy một cảm giác thỏa mãn kỳ lạ?
Cảm giác tò mò vô hạn đó được phản ánh trong rất nhiều câu chuyện thần thoại, như thể nó có một nét gì đó đầy cám dỗ.
Lấy Eve làm ví dụ. Cô muốn biết được những bí mật mà Cây Tri thức nắm giữ. Hay Pandora, mặc cho những cảnh báo đã nhận được, cô chỉ đơn giản là muốn thấy có thứ gì trong chiếc hộp bí ẩn!
Có thể những câu chuyện thần thoại kể trên khiến chúng ta có cảm giác tò mò là một trong những tật xấu mà con người nên xóa bỏ, nhưng các nghiên cứu khoa học cho thấy điều ngược lại. Trên thực tế, tính tò mò là một phần cơ bản trong bản chất con người, góp phần hình thành nên một loạt những hành vi trí tuệ, từ việc tìm tòi khi còn thơ bé, cho đến những phát kiến khoa học về sau này.
Suy cho cùng, Newton có lẽ sẽ chẳng phát hiện ra trọng lực nếu ông không tò mò.
Một phân tích tổng hợp cho thấy ngoài trí thông minh, tính tò mò trí tuệ là một yếu tố khác dự báo trước kết quả học tập của con người; và nhiều nghiên cứu bổ trợ đã chỉ ra những lợi ích của tính tò mò trong việc củng cố năng lực học tập và ghi nhớ về lâu về dài. Nghiên cứu thực nghiệm cũng đưa ra được rất nhiều kết quả tích cực có liên hệ với tính tò mò.
Vậy điều gì thôi thúc chúng ta biết nhiều và nhiều hơn nữa?
Có vẻ như, bộ não của con người tìm kiếm kiến thức chẳng khác gì dạ dày tìm kiếm thức ăn!
Hãy hình dung bạn đang học tiết cuối của ngày. Và cơn đói bụng của bạn đã đạt đến đỉnh điểm. Chuông vừa reo lên, điều đầu tiên bạn làm sau khi lao ra ngoài là bóc vỏ thanh sô-cô-la trong cặp và nhai ngấu nghiến.
Bản thân tính tò mò sẽ giúp chúng ta khai phá những thứ gây tò mò.
Bạn hiểu vấn đề rồi chứ? Khi miếng sô-cô-la béo ngậy, ngọt lịm đi vào cơ thể, lượng đường được bổ sung ngay lập tức mang lại cho bạn cảm giác thỏa mãn, và cảm giác đó cũng giống như khi bộ não của bạn nhận được bất kỳ thông tin mới nào vậy!
Mặc cho có khá nhiều giả thiết xoay quanh cơ cấu và nguồn gốc của tính tò mò, ngày càng nhiều người đồng tình rằng cũng như thức ăn và các yếu tố mang tính "phần thưởng" khác từ bên ngoài, tính tò mò có thể được nhìn nhận là một quy trình "học tập – khen thưởng" nhằm thu nạp thêm kiến thức. Về cơ bản, điều đó có nghĩa là con người chúng ta hào hứng với việc biết thêm nhiều thứ là bởi kiến thức thu nạp được chính là một phần thưởng.
Các chuyên gia đã quan sát được rằng, cả người lẫn các loài động vật đều sẵn sàng mạo hiểm đánh đổi một vài khoản nhỏ nhặt để thỏa mãn tính tò mò về một "phần thưởng" trong tương lai dẫu biết rằng kết quả cuối cùng sẽ chẳng thể thay đổi đươc. Ví dụ, bạn trả tiền cho một thầy bói để biết liệu mình có trúng vé số hay không, nhưng việc này sẽ không tác động được dù chỉ một chút đến kết quả xổ số ngoài đời thực.
Trong một nghiên cứu ảnh não xoay quanh tính tò mò và phần thưởng, Johnny King Lau và các đồng sự đã phát hiện ra rằng tính tò mò dường như được thúc đẩy bởi cùng một quy trình sinh học thần kinh như cơn đói. Cụ thể, họ tiến hành một thử nghiệm hành vi đơn giản, với các chủ thể được cho xem một vài chiêu trò ảo thuật hoặc một vài bức ảnh về một món ăn hấp dẫn nào đó, sau đó là một bánh xe xổ số (bánh xe này đại diện cho vận may trong một trò đánh bạc, vốn là một biến số).
Nếu họ thắng trò xổ số, cơ hội được ăn món ăn kia, hoặc được biết mánh khóe đằng sau trò ảo thuật, sẽ tăng lên; còn nếu thua, họ sẽ bị…giật điện nhẹ. Hao hao trò "cò quay Nga" nhỉ?
Nghiên cứu đã cho thấy những quyết định của các tình nguyện viên bị ảnh hưởng bởi suy nghĩ về món ăn hoặc về việc sẽ học được mánh khóe ảo thuật. Và họ mạo hiểm quay bánh xe mặc cho nguy cơ bị điện giật.
Lau còn tiến hành một nghiên cứu khác, lần này ông cho quét não của các tình nguyện viên. Kết quả cho thấy vì bị ảnh hưởng bởi cơn đói hoặc tính tò mò, bất kể khi nào các chủ thể quyết định đánh cược, hoạt động ở một vùng não gọi là "vùng vân" (striatum, vùng não liên quan đến động lực và sự tưởng thưởng) sẽ tăng lên.
Một điều thú vị khác mà bộ não chúng ta thực hiện khi được cung cấp một thông tin mới là tiết ra dopamine (một hóa chất tạo cảm giác thỏa mãn), khiến việc tìm kiếm thông tin trở thành một hoạt động vui vẻ giống như khi ăn uống vậy.
Các nhà nghiên cứu khác đã phát hiện ra rằng cùng với hệ thống phần thưởng, các vùng ở vỏ não trước trán (liên quan đến trí nhớ) cho phép chúng ta phân biệt giữa những kích thích đã trải nghiệm trước đây với những kích thích mới – điều đóng vai trò quan trọng trong việc tạo ra tính tò mò. Theo các nhà nghiên cứu này, "hồi răng" (dentate gyrus, một phần của "hải mã" – hippocampus) là trung tâm chính chịu trách nhiệm cho tính tò mò.
Đúng vậy, vào năm 2009, các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng tăng sự hiện diện của một protein tương tác dopamine trong "hồi răng" sẽ làm tăng đáng kể tính tò mò của các loài động vật – một lần nữa cho thấy mối tương quan giữa tính tò mò và dopamin. Tuy nhiên, dopamine đóng vai trò cụ thể ra sao, và các khía cạnh khác của tính tò mò, vẫn là một bí ẩn.
Nhưng xét việc bản thân tính tò mò được xem là động lực chính thúc đẩy trí tuệ con người, bao gồm tính tò mò khoa học, thì có thể nói rằng bản thân tính tò mò sẽ giúp chúng ta khai phá những thứ gây tò mò. Và có một câu ngạn ngữ nói rằng, "Tính tò mò giết chết con mèo, nhưng sự thỏa mãn mang nó trở lại"!