NASA bắt được tín hiệu lạ dẫn tới siêu vật thể từ cõi chết

  •  
  • 1.010

Một dao động lạ trong dữ liệu từ kính viễn vọng NICER của NASA đã đưa các nhà khoa học đến một vật thể tử thần quay tận 716 lần/giây.

Nhóm nghiên cứu do nhà vật lý thiên văn Gaurava Jaisawal từ Đại học Kỹ thuật Đan Mạch đẫn đầu đã phân tích dữ liệu từ kính viễn vọng NICER của NASA để nghiên cứu về một vật thể đã chết và vô tình phát hiện ra nó là thứ kỳ lạ chưa từng thấy.

Vật thể đó nằm cách chúng ta tận 27.400 năm ánh sáng và là một thứ "trở về từ cõi chết": Sao neutron.

Dữ liệu từ kính viễn vọng NASA tiết lộ một vật thể chết chóc quay với tốc độ không tưởng
Dữ liệu từ kính viễn vọng NASA tiết lộ một vật thể chết chóc quay với tốc độ không tưởng - (Ảnh đồ họa: PHYS).

Khi một ngôi sao khổng lồ phát nổ trong cái chết rực rỡ là siêu tân tinh, phần lõi của nó sẽ bị sụp đổ, những gì còn lại co cụm lại thành một "thây ma" nhỏ gọn nhưng có năng lượng cực kỳ mạnh mẽ là sao neutron.

Sao neutron có khối lượng từ khoảng 1,1 đến 2,3 lần khối lượng Mặt trời, nhưng đường kính chỉ khoảng 20km.

Ngôi sao neutron mà TS Jaisawal và các cộng sự nghiên cứu có nhiều điểm kỳ lạ.

Theo bài công bố trên tạp chí khoa học The Astrophysical Journal, thuộc về một hệ sao đôi mang tên 4U 1820-30, với bạn đồng hành là một sao lùn trắng - "thây ma" của những ngôi sao kích thước cỡ Mặt trời.

Cặp đôi này quay quanh nhau với chu kỳ chỉ 11,4 phút, vì vậy sao neutron mạnh mẽ hơn liên tiếp hút vật chất từ người bạn đồng hành.

Mỗi khi sao neutron căng bụng, một vụ nổ nhỏ sẽ xảy ra và tống đi vật chất dư thừa. Nhóm nghiên cứu đã ghi lại 15 vụ nổ nhiệt hạch loại này trong những năm 2017-2022.

Nhưng có một tín hiệu kỳ lạ trong dữ liệu: Một trong các vụ nổ có lẫn một dao động với tần số 716 Hertz.

Các nhà nghiên cứu đã tìm hiểu và kết luận rằng tín hiệu lạ này là do ngôi sao neutron đang quay với tốc độ tận 716 lần/giây, gần chạm tới tốc độ giới hạn về lý thuyết là 730 lần/giây.

Các ngôi sao neutron quay nhanh như vậy gọi là sao xung và ngôi sao trong hệ 4U 1820-30 là sao xung quay nhanh nhất từng được biết đến.

Cập nhật: 07/11/2024 NLĐ
  • 1.010