Quang Sáng
Tình trạng khí hậu toàn cầu ấm lên dẫn tới nhiều tác động to lớn về thời tiết. Những cơn bão lớn diễn biến bất thường ảnh hưởng đến cuộc sống của hàng triệu người gây tác hại không thể lường trước. Và các nhà khoa học tại Trung tâm Hàng không vũ trụ Mỹ NASA đang cố gắng áp dụng mọi công nghệ hiện đại nhất để lý giải tác động của quá trình nóng lên toàn cầu đối với việc hình thành các cơn bão.
Bằng cách kết hợp các dữ liệu thu được từ trạm quan sát trên mặt đất, trên khinh khí cầu, trên máy bay và cả từ vệ tinh, các nhà khoa học đã có thể xây dựng được mô hình không gian 3 chiều của các cơn bão.
Ông Pedro Leon, Giám đốc Trung tâm Công nghệ cao quốc gia Mỹ cho biết: "NASA muốn hiểu được tại sao một số trạng thái thời tiết lại phát triển thành các cơn bão lớn trong khi một số khác thì diễn biến rất đơn giản. Hiểu được cơ chế vận hành này chúng ta sẽ tránh được nhiều mối đe doạ".
Một đội nghiên cứu đặc biệt có tên TC4 đã được thành lập để giúp NASA xác định những nguyên nhân chính gây ra sự thay đổi thời tiết, sự ấm lên toàn cầu và việc tầng ozone bị phá huỷ. Đội TC4 với hơn 400 chuyên gia đã sử dụng 7 vệ tinh đặc biệt của NASA cùng 3 máy bay được trang bị chuyên dụng.
(Ảnh: NASA) |
Nhóm TC4 đã tập trung nghiên cứu sự hình thành các đám mây, các loại mây, thành phần hoá học của chúng từ đó xây dựng những dự đoán bão chuẩn xác hơn.
Tiến sỹ Brian Toon, nhà khoa học trong dự án nghiên cứu TC4 cho biết: "Chúng tôi không chỉ muốn nhìn màu sắc và độ lớn của các đám mây mà chúng tôi cần khám phá bên trong nó có những phần tử hoá học nào, mật độ của chúng ra sao. Chúng tôi sẽ cho máy bay đo đạc các dữ liệu này rồi so sánh với màu sắc của mây mà vệ tinh chụp được. Nhiều lần như vậy chúng tôi sẽ dự đoán được xu hướng diễn biến của các đám mây và đoán được liệu chúng có hình thành bão hay không".
Chỉ trong giai đoạn đầu, người ta đã tài trợ 12 triệu USD cho dự án này. Tuy nhiên nếu dự án thành công và con người hiểu rõ hơn về các cơ chế của các cơn bão thì lợi ích của dự án khó mà có thể tính hết được.
(Ảnh: AP)