NASA lần đầu đo được các tia X phân cực từ tàn dư siêu tân tinh

  •   32
  • 132

NASA cho biết các nhà thiên văn học đã lần đầu tiên đo và vẽ được bản đồ các tia X phân cực từ tàn dư của một vụ nổ sao, đem đến một cái nhìn mới về bản chất của các tàn dư siêu tân tinh.


(Nguồn: nasa.gov)

Cơ quan hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) ngày 19/10 cho biết các nhà thiên văn học đã lần đầu tiên đo và vẽ được bản đồ các tia X phân cực từ tàn dư của một vụ nổ sao (siêu tân tinh) bằng việc sử dụng tàu thăm dò đo phân cực bằng quét tia X (IXPE).

Đây là kết quả các quan sát tàn dư siêu tân tinh Cassiopeia A, đem đến một cái nhìn mới về bản chất của các tàn dư siêu tân tinh.

Siêu tân tinh Cassiopeia A là vật thể đầu tiên mà IXPE quan sát được kể từ khi bắt đầu thu thập dữ liệu.

Nhà khoa học Pat Slane tại Trung tâm Vật lý thiên văn Harvard - Smithsonian, người đứng đầu nghiên cứu tàn dư siêu tân tinh IXPE cho biết: "Không có IXPE, chúng ta đã bỏ lỡ mất thông tin quan trọng về các vật thể như Cassiopeia A. Kết quả này cho chúng biết về một khía cạnh cơ bản của các mảnh vỡ từ ngôi sao phát nổ này, đó là hoạt động của từ trường".

Được phóng vào vũ trụ ngày 9/12/2021, IXPE là dự án hợp tác giữa NASA và Cơ quan vũ trụ Italy. Đây là vệ tinh đầu tiên có thể đo sự phân cực của ánh sáng tia X với độ nhạy và rõ như vậy.

Cập nhật: 22/10/2022 TTXVN/Vietnam+
  • 32
  • 132