NASA lên kế hoạch "đặt sao lên trời"

  •  
  • 160

Sứ mệnh phóng ngôi sao nhân tạo mới của NASA sẽ giúp mở đường cho các nhà nghiên cứu trong việc khám phá không gian trong vũ trụ.

Trong khi mối lo ngại về ô nhiễm ánh sáng và ảnh hưởng của nó đối với việc quan sát vũ trụ tiếp tục gia tăng, một số nhà khoa học đã nghĩ ra một kế hoạch để khắc phục tình trạng kể trên. Các chuyên gia của NASA muốn đưa một ngôi sao nhân tạo vào quỹ đạo vào cuối thập kỷ này.

 Tia laser trên vệ tinh sẽ giúp vật thể phát sáng như một ngôi sao nhân tạo.
Tia laser trên vệ tinh sẽ giúp vật thể phát sáng như một ngôi sao nhân tạo. (Ảnh: ESO).

Theo NASA, họ sẽ phóng một vệ tinh có hình dáng vuông giống hộp bánh lên quỹ đạo. Vệ tinh này sẽ quay quanh Trái đất và cách bề mặt chính xác 22.236 dặm (35.785km).

Quá trình này sẽ đưa vật thể vào vùng quỹ đạo không đồng bộ, có nghĩa là nó sẽ khớp với vòng quay của Trái đất và giúp cố định trên bầu trời đêm. Trong năm đầu tiên của sứ mệnh, các nhà nghiên cứu sẽ giữ điểm cố định này ở phía trên nước Mỹ.

Ngoài ra, họ sẽ sử dụng tia laser trên vệ tinh để khiến nó hoạt động như một ngôi sao nhân tạo. Những tia laser này sẽ phát ra ánh sáng trực tiếp tới các kính viễn vọng trên mặt đất và mô phỏng nhiều ngôi sao hoặc siêu tân tinh khác nhau trong vũ trụ. Từ đó, các nhà nghiên cứu có thể điều chỉnh cách nghiên cứu và quan sát những hiện tượng vũ trụ cụ thể.

Theo BGR, đây là một ý tưởng khả thi và được kỳ vọng mang lại nhiều cải tiến trong cách con người khám phá vũ trụ trong tương lai. Bên cạnh đó, “ngôi sao nhân tạo” này cũng không làm ảnh hưởng nhiều đến bầu trời đêm. Các nhà nghiên cứu đứng sau dự án cho biết nó sẽ mờ hơn 100 lần mức có thể nhìn thấy bằng mắt thường.

Song, những người đam mê quan sát vẫn có thể nhìn thấy nó bằng kính thiên văn cỡ trung. Trước mắt, các nhà khoa học mong muốn ý tưởng này có thể được hiện thực hóa vào năm 2029.

Hiện tại, các nhà nghiên cứu công bố rằng sứ mệnh mới có thể bao gồm một nhóm 30 người và ước tính chi phí khoảng 19,5 triệu USD. Con số này không đáng kể nếu xét đến các sứ mệnh khác mà NASA thực hiện trên Hỏa tinh.

Cập nhật: 22/06/2024 Znews
  • 160