Lo ngại vệ tinh "ngôi sao" của Nga tỏa sáng bất thường

  •   3,73
  • 3.790

Vệ tinh có tên Mayak do Đại học Bách khoa Moscow (MAMU) phát triển đang chuẩn bị lắp ráp chiếc gương khổng lồ hình kim tự tháp. Mayak trong tiếng Nga có nghĩa là đèn hiệu và công việc của nó là tỏa sáng.

Mayak vừa được phóng lên vũ trụ cùng 72 vệ tinh khác trên tên lửa Soyuz từ Kazakhstan vào ngày 14/7.

Đây là một phần của chiến dịch kêu gọi cộng đồng tài trợ do công ty quảng cáo 12.digital khởi xướng. Họ đang tìm hiểu khả năng đưa những bảng quảng cáo khổng lồ vào vũ trụ.

Các ý tưởng quảng cáo ngoài không gian đã có từ thập niên 1980, trong đó bao gồm ý tưởng đặt biển quảng cáo khổng lồ ngoài vũ trụ có thể nhìn thấy được từ Trái Đất.

Vệ tinh Mayak sẽ mở tấm phản quang hình kim tự tháp sau khi đi vào quỹ đạo.
Vệ tinh Mayak sẽ mở tấm phản quang hình kim tự tháp sau khi đi vào quỹ đạo. (Ảnh: Mayak project).

Nhóm thanh niên Nga đã kêu gọi quyên góp được 30.000 USD cho dự án vệ tinh nghiệp dư này. Những người thực hiện dự án cho biết Mayak hiện ở vị trí cách Trái Đất 600km. Nếu mọi việc suôn sẻ thì trong vài ngày tới, chiếc hộp nhỏ của Mayak sẽ mở ra tấm phản quang mỏng bằng kim loại rộng 16m2, có độ dày chỉ bằng 1/20 sợi tóc người.

Một khi tấm phản quang được triển khai, Mayak sẽ vượt qua Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS) để trở thành vật thể nhân tạo sáng nhất trên bầu trời, nhấp nháy hơn 16 lần mỗi ngày.

Các nhà thiết kế người Nga cho biết tấm phản chiếu sẽ chiếu sáng với độ sáng tương đương Sao Kim. Nếu mở thành công tấm phản quang hình kim tự tháp thì độ sáng mà Mayak tạo ra có thể gây ra vấn đề đối với việc quan sát bầu trời đêm của các kính thiên văn dưới mặt đất.

Nhóm chế tạo Mayak cho biết vệ tinh sẽ duy trì quỹ đạo trong vòng 1 tháng trước khi đốt cháy.

"Nếu không gian rải rác số lượng lớn vật thể kiểu này thì sẽ không hay vì nó gây ảnh hưởng tới sự toàn vẹn của bầu trời đêm. Nhưng một hoặc hai vật thể được thử nghiệm trong thời gian ngắn thì cũng không hại gì nhiều", Marco Langbroek, một người theo dõi các vệ tinh, cho biết trên Sky and Telescope.

Những người phản đối quảng cáo ngoài không gian cho rằng chúng có thể gây ô nhiễm ánh sáng, che khuất tầm nhìn và không thể dễ dàng tắt hoặc gỡ bỏ như các loại quảng cáo khác. Ngoài ra, một biển quảng cáo lớn ngoài không gian có thể nhìn thấy được ở bất cứ đâu chứ không chỉ giới hạn ở một khu vực hay quốc gia nhất định.

Cập nhật: 21/07/2017 Theo Zing
  • 3,73
  • 3.790