NASA phát hiện vật thể lạ, lao nhanh với tốc độ lên đến 1 triệu dặm/giờ

  •  
  • 520

Vật thể lạ mang tên CWISE J1249 vừa thoát khỏi "cõi chết" và lao đi nhanh đến nỗi đủ sức thoát khỏi vòng kiềm tỏa của Ngân Hà.

Theo SciTech Daily, các nhà khoa học công dân hợp tác với dự án Backyard Worlds: Planet 9 của NASA phát hiện một vật thể lạ sở hữu siêu tốc độ mang tên CWISE J1249.

Với tốc độ đủ để chống lại lực hấp dẫn của thiên hà chứa Trái đất Milky Way (Ngân Hà), CWISE J1249 đang trên đường lao vào không gian liên thiên hà với tốc độ khoảng 1 triệu dặm/giờ (1,6 triệu km/giờ).

Ngoài ra, nó cũng là vật thể siêu tốc độ đầu tiên được phát hiện có khối lượng tương tự hoặc nhỏ hơn một ngôi sao nhỏ.

Ảnh đồ họa mô tả một sao lùn nâu (bên trái) bên cạnh một siêu tân tinh.
Ảnh đồ họa mô tả một sao lùn nâu (bên trái) bên cạnh một siêu tân tinh. Trong đó sao lùn nâu có thể là vật thể lạ vừa được tìm thấy - (Ảnh đồ họa: Adam Makarenko / Đài quan sát WM Keck).

Theo phân tích ban đầu, vật thể lạ này có thể là một ngôi sao khối lượng thấp lạ lùng. Hoặc khả năng cao nhất đó là một sao lùn nâu.

Sao lùn nâu mang trạng thái lửng lơ giữa một ngôi sao và một hành tinh: Nó quá lớn so với kích cỡ cho phép của một hành tinh và không hề có sao mẹ, nhưng quá nhỏ để duy trì phản ứng tổng hợp hạt nhân trong lõi như một ngôi sao.

Vì vậy, đôi khi sao lùn nâu được gọi là "ngôi sao thất bại" hoặc "siêu hành tinh".

Sao lùn nâu thông thường không phải là quá hiếm. Backyard Worlds: Planet 9 đã phát hiện ra hơn 4.000 sao lùn nâu.

Nhưng không có sao lùn nâu nào khác được biết là đang trên đường bỏ chạy khỏi Ngân Hà.

Bên cạnh đó, vật thể này còn có thành phần độc đáo. Dữ liệu thu được từ Đài quan sát WM Keck ở Maunakea, Hawaii, cho thấy nó ít kim loại hơn nhiều so với các ngôi sao và sao lùn nâu khác.

Thành phần bất thường này cho thấy CWISE J1249 là một vật thể cổ đại, có thể là từ một trong những thế hệ sao đầu tiên trong thiên hà của chúng ta. Vì vậy, nó trở thành một báu vật đối với giới nghiên cứu.

Nhưng tại sao vật thể này lại di chuyển với tốc độ cao như vậy, vẫn là bí ẩn.

Giả thuyết được ủng hộ nhất là CWISE J1249 ban đầu xuất phát từ một hệ sao đôi với một sao lùn trắng.

Sao lùn trắng này đã "ăn thịt" CWISE J1249 khá nhiều đến nỗi bị quá tải vật chất, phát nổ thành siêu tân tinh, hất bay ngôi sao lùn nâu đi.

Một khả năng khác là CWISE J1249 xuất phát từ một loại cụm sao liên kết chặt chẽ và cổ xưa được gọi là cụm sao cầu. Cuộc gặp gỡ tình cờ với một cặp lỗ đen với tương tác vô cùng phức tạp đã khiến nó bay vút đi.

Cập nhật: 23/08/2024 NLĐ
  • 520