Phát hiện những vật thể lạ ở trung tâm Dải Ngân hà

  •   4,33
  • 3.190

Các nhà thiên văn học đã tìm thấy 6 vật thể xoay quanh siêu hố đen Sagittarius A* ở trung tâm Dải Ngân hà, với bề ngoài và đặc điểm không hề giống với bất kỳ thứ gì trước đó.

Giới thiên văn học đặt tên cho những vật thể "quái đản" này là G.

Mô phỏng về các vật thể G xung quanh siêu hố đen.
Mô phỏng về các vật thể G xung quanh siêu hố đen.

Hai vật thể ban đầu, gồm G1 và G2, lần đầu tiên lọt vào tầm quan sát của các nhà thiên văn học cách đây gần 2 thập niên. Bộ đôi này có quỹ đạo và tính chất kỳ lạ. Sau thời gian dài quan sát, các nhà nghiên cứu phát hiện chúng nhiều khả năng là những đám mây khí khổng lồ, trải rộng khoảng 100 đơn vị thiên văn (khoảng cách từ mặt trời đến trái đất được tính là một đơn vị thiên văn). Phạm vi của các đám mây khí gần chạm đến miệng hố đen.

Tuy nhiên, G1 và G2 lại không hành xử như các đám mây khí, mà lại giống các ngôi sao hơn, theo nhà vật lý và thiên văn học Andrea Ghez của Đại học California ở Los Angeles (UCLA) giải thích vào năm 2020, theo trang Science Alert hôm 24/6.

Chuyên gia Ghez và đồng sự đã nghiên cứu trung tâm Dải Ngân hà trong hơn 20 năm. Dựa trên dữ liệu này, đội ngũ nhà thiên văn học dẫn đầu là chuyên gia Anna Ciurlo của UCLA phát hiện thêm 4 vật thể tương tự, lần lượt là G3, G4, G5 và G6.

Nhóm 4 vật thể vừa được xác định đang di chuyển trên quỹ đạo khác với G1 và G2. Cùng nhau, các vật thể G có quỹ đạo kéo dài từ 170 đến 1.600 năm, theo báo cáo trên chuyên san Nature.

Đến nay, vẫn chưa rõ chúng là gì, và tại sao có thể tồn tại ở vùng phụ cận của siêu hố đen Sagittarius A*  mà không bị "con quái vật" này nuốt chửng.

Cập nhật: 02/08/2024 Thanh Niên
  • 4,33
  • 3.190