Hãng RT ngày 12/8 đưa tin Roscosmos đã chế tạo thành công vệ tinh "tự tiêu" khi không còn hữu dụng. Phát minh này nhằm hạn chế gia tăng khối lượng các vật thể nhân tạo trôi nổi trong không gian.
Rosmoscos đã nộp bằng sáng chế cho Cơ quan sở hữu trí tuệ Rospaten. Theo đó, vệ tinh sẽ tự hủy dưới tác động của những yếu tố không gian bên ngoài, chủ yếu là sự đốt nóng. Phát minh về vệ tinh mới yêu cầu sử dụng vật liệu có đặc tính thăng hoa, tức là bỏ qua giai đoạn hóa lỏng, chuyển hóa trực tiếp từ trạng thái rắn sang thể khí mà không biến thành chất lỏng khi bị nung nóng.
Ước tính hiện có khoảng 8.400 tấn rác thải vũ trụ chuyển động quanh quỹ đạo Trái Đất. (Ảnh: NASA).
Được biết, cấu trúc thông minh cho phép các vệ tinh tự phân hủy ngay khi hoàn thành sứ mệnh hoặc gặp trục trặc khiến nó không hoạt động được.
Câu hỏi hóc búa về phương thức xử lý "rác thải" vũ trụ từ lâu vẫn luôn đau đáu trong tâm trí của các nhà khoa học và kỹ sư. Năm 2016, các chuyên gia của Roscosmos kết luận nếu vấn đề nan giải này không được giải quyết, công cuộc thám hiểm vũ trụ có thể sẽ trở nên trì trệ vì tất cả quỹ đạo gần Trái Đất bị mắc kẹt trong thiết bị phế thải.
Theo Văn phòng rác thải không gian thuộc Cơ quan Vũ trụ Châu Âu, hiện có hơn 8.400 tấn rác thải vũ trụ chuyển động quanh quỹ đạo Trái Đất. Phần lớn rác thải vũ trụ là các mảnh vụn từ hàng nghìn vụ phóng và triển khai tên lửa, cũng như từ các vụ nổ và va chạm trong không gian.