Ngày hội của các nhà vật lý Việt Nam

  •  
  • 540

Gần 400 báo cáo khoa học về những công trình nghiên cứu của các nhà vật lý Việt Nam sẽ được trình bày tại Hội nghị Vật lý toàn quốc lần thứ 6. Hội nghị khai mạc sáng 23/11 tại ĐH Bách Khoa HN, kéo dài trong ba ngày, do Hội Vật lý Việt Nam, Viện Khoa học Vật liệu và ĐH Bách Khoa HN đồng tổ chức.

Gần 600 đại biểu tham dự Hội nghị Vật lý toàn quốc, trong đó có khoảng 10 đại biểu nước ngoài, chủ yếu tới từ Hàn Quốc, Myanmar. Các báo cáo sẽ được trình bày tại 8 tiểu ban: vật lý lý thuyết, vật lý hạt nhân, vật lý thiên văn và địa cầu, quang học và quang phổ, vật lý chất rắn, vật lý kỹ thuật, giảng dạy và truyền bá vật lý.

Theo GS TS Phan Hồng Khôi, Chủ tịch Hội Vật lý VN, trong 5 năm qua, ngành vật lý VN đã đạt được nhiều thành tựu đáng tự hào, góp phần nâng cao vị trí của Việt Nam trên trường quốc tế. Chẳng hạn nhiều kết quả nghiên cứu, chế tạo vật liệu bán dẫn, vật liệu từ, photonic có kích thước nano đã được đăng trên các tạp chí khoa học quốc tế có uy tín. Nhiều chip cảm biến sinh học cũng đã được chế tạo để ứng dụng trong nghiên cứu môi trường. Ngoài ra, các nhà vật lý còn nghiên cứu, chế tạo nhiều loại màng mỏng, nam chân kết dính, thiết bị laser...

Đạt được những kết quả đáng khích lệ trên là do nỗ lực của bản thân các nhà vật lý cũng như sự đầu tư tập trung của Nhà nước cho các chương trình nghiên cứu khoa học cơ bản. Chính vì vậy mà ngành vật lý Việt Nam hiện đứng đầu trong số ba nước Đông Nam Á là Thái Lan, Malaysia và Indonesia.

Tuy nhiên, GS Khôi cảnh báo nếu ngành vật lý VN dừng lại thì sẽ thua các nước trên do tốc độ phát triển vật lý của họ rất mạnh. Khó khăn của ngành vật lý là trang thiết bị và nguồn tài chính vẫn còn thiếu, lý thuyết chưa gắn kết mạnh mẽ với thực nghiệm, thu nhập của các nhà nghiên cứu còn thấp... 

GS TS Phan Hồng Khôi

Để thúc đẩy ngành vật lý VN, GS Nguyễn Văn Đạo, Chủ tịch Hội đồng khoa học tự nhiên, cho rằng đã đến lúc phải tập trung lực lượng để nghiên cứu những vấn đề lớn. Thời kỳ nghiên cứu phân tán, lẻ tẻ đã qua. Ngành vật lý VN cần chọn một số hướng trọng điểm chẳng hạn như vật liệu nano, vật lý ứng dụng (đẩy mạnh ứng dụng các thành tựu của vật lý vào sản xuất và đời sống), đào tạo đội ngũ cán bộ vật lý trẻ ở trong và ngoài nước, nâng cao chất lượng giảng dạy vật lý ở bậc phổ thông và đại học.

Liên quan tới vấn đề đào tạo, GS. Viện sĩ Nguyễn Văn Hiệu đề xuất xây dựng các trung tâm xuất sắc để đào tạo chuyên gia ngành vật lý, nghiên cứu và ứng dụng vật lý. Ngoài ra, cần xây dựng các chương trình mẫu môn vật lý trình độ hiện đại cho hệ thống các trường cao đẳng và đại học kỹ thuật- công nghệ...

Minh Sơn

Theo VietNamNet
  • 540