Nghiên cứu cho thấy lợi ích bất ngờ của việc lo âu

  •  
  • 3.521

Bạn là một người luôn có xu hướng lo lắng về mọi điều. Trước một buổi phỏng vấn, một kỳ thi hoặc một cuộc hẹn hò, bạn luôn hồi hộp và hình dung ra đủ thứ tình huống có thể xảy đến.

Nhưng chẳng việc gì bạn phải băn khoăn, bởi khoa học đã chứng minh rằng, thực ra điều đó lại rất tốt cho bạn.

Kate Sweeny - giáo sư thuộc lĩnh vực tâm thần học thuộc Đại học California, Riverside vừa công bố một nghiên cứu trên tờ tạp chí Social and Personality Psychology Compass, với luận điểm chính cho rằng sự lo lắng giúp cho con người có được sự kiểm soát, tránh được các biến cố không mong muốn và hướng đến các mục tiêu trong cuộc đời.

Sự lo lắng giúp cho con người có được sự kiểm soát.
Sự lo lắng giúp cho con người có được sự kiểm soát.

Lo âu được định nghĩa là việc luôn có những ý tưởng tiêu cực về tương lai, và nó được xếp cùng nhóm cảm xúc với sợ hãi, hận thù và ghê tởm. Tuy nhiên, lo âu quá mức rất dễ dẫn tới trạng thái trầm cảm và thậm chí là những rối loạn tâm thần khác.

Theo Tổ chức Y tế thế giới, trong năm 2013, đã có khoảng 615 triệu người mắc trầm cảm/rối loạn lo âu, con số gia tăng đến hơn 50% chỉ trong vòng 20 năm qua. Sự gia tăng này khiến rối loạn lo âu trở thành một biểu hiện không thể xem nhẹ.

Sweeny và các cộng sự của mình cũng hoàn toàn đồng tình với nhận định trên. Rối loạn lo âu quá mức gây ra rất nhiều hậu quả nghiêm trọng. Nhưng họ cũng thấy rằng, nỗi lo sợ, nếu được điều chỉnh đúng hướng, có thể trở thành một hành vi mang tính chất thúc đẩy rất tích cực.

Rối loạn lo âu quá mức gây ra rất nhiều hậu quả nghiêm trọng.
Rối loạn lo âu quá mức gây ra rất nhiều hậu quả nghiêm trọng.

Sweeny cho biết: “Nỗi lo sợ ở mức độ vừa đủ có thể thôi thúc người ta làm được việc. Mặt khác, chúng khiến chúng ta chuẩn bị sẵn sàng tâm lý cho những tình huống xấu nhất, cũng như hậu quả mà chúng gây ra”.

Nếu hiểu theo cách này, stress sẽ trở thành một người đồng hành, thay vì một chướng ngại vật như trước. Chúng ta đã được đối mặt với nỗi sợ, trước khi chúng thực sự xuất hiện và gây đủ hậu quả nếu làm ta mất kiểm soát.

Sự lo lắng dẫn đến các hành vi bảo vệ tích cực.
Sự lo lắng dẫn đến các hành vi bảo vệ tích cực.

Các nghiên cứu trước đây của Sweeny và cộng sự cũng cho thấy, sự lo lắng dẫn đến các hành vi bảo vệ tích cực. Ví dụ như, sự lo ngại về ung thư da giúp phụ nữ tích cực sử dụng kem chống nắng, hoặc các tác hại của khói thuốc trên bao bì hoặc trên quảng cáo thực sự đã khiến nhiều thanh thiếu niên phải cân nhắc trước khi dùng thử.

Lời khuyên được các nhà nghiên cứu đưa ra là, hãy tự chiêm nghiệm nỗi lo âu của mình trước khi đưa ra quyết định. Liệu sự lo sợ có thực sự làm bạn cẩn trọng hơn, hay bạn đã đánh mất bản năng quyết đoán của mình chỉ vì quá e ngại?

Không phải ai cũng có thể cân nhắc 100% trong mọi tình huống, nhưng dành chút thời gian để suy nghĩ, chuẩn bị và đưa ra những tình huống xấu nhất sẽ luôn giúp bạn sẵn sàng với mọi chuyện xảy đến, dù chúng có tệ đến đâu đi chăng nữa.

Cập nhật: 08/01/2018 Theo Trí Thức Trẻ
  • 3.521