Nghiên cứu cho thấy: Người bất tài mới hay tự tin thái quá, cho mình là chuyên gia

  •  
  • 2.617

Sự việc này có một cái tên riêng, được đặt tên theo hai nhà nghiên cứu chứng minh được nó.

Nhiều khả năng, bạn đã gặp trường hợp trớ trêu sau đây ít nhất một lần: một nhân vật bất tài lại tự tin, mạnh miệng tuyên bố mình rất giỏi về vấn đề nào đó, có khi còn dám khẳng định mình là chuyên gia. Hiện tượng này có một cái tên riêng: hiệu ứng Dunning-Krugger.

Người tự ti

Nó không phải là một bệnh, một hội chứng bệnh lý hay rối loạn tâm lý; thẳng thắn mà nói nó tồn tại trong mỗi người ở những mức độ khác nhau, và kể từ cái ngày nhân loại có nhận thức, hiệu ứng Dunning-Krugger đã tồn tại rồi (chỉ có điều chưa có tên riêng cho tới năm 1999 thôi).

Trên tờ Tạp chí Nhân cách và Tâm lý Xã hội xuất bản năm 1999, có một bản nghiên cứu do David Dunning và Justin Kruger đăng tải. Trong đó, hai nhà nghiên cứu tìm thêm dữ liệu củng cố cho tuyên bố đã có từ thời triết gia vĩ đại Socrates: "Thông thái là khi ta biết rằng ta chẳng biết gì cả". Năm 1871, Charles Darwin củng cố cho câu nói ấy bằng những lời vàng ngọc: "vượt qua cả hiểu biết, sự ngu dốt còn thường tạo nhiều sự tự tin hơn".

Justin Kruger
Justin Kruger

David Dunning.
David Dunning.

Nói một cách đơn giản, những người bất tài thường nghĩ rằng mình biết nhiều hơn thực tế bản thân, và họ còn thường khoe khoang về những "hiểu biết" của mình.

Để chứng thực giả thuyết của Darwin, hai nhà nghiên cứu Dunning và Kruger đặt ra câu đố với những người tham gia thử nghiệm, những câu đố thuộc khía cạnh như ngữ pháp, lý lẽ logic và khả năng hiểu các câu chuyện đùa. Sau mỗi bài thử, các nhà nghiên cứu sẽ yêu cầu người tham gia thử nghiệm tự đánh giá khả năng của mình. bên cạnh một câu hỏi cụ thể hơn nữa: liệu khả năng của họ vượt qua được bao nhiêu người cùng tham gia thử nghiệm?

Dunning hoàn toàn choáng ngợp trước kết quả thử nghiệm: nó đã chứng minh được giả thuyết của ông! Lần này qua lần khác, không quan trọng với chủ đề nào, những người có kết quả thử nghiệm thấp kém lại có độ tự tin cao hơn nhiều, tự đánh giá năng lực của mình vượt trội. Trung bình, những người có kết quả thấp khoảng 10% lại tự đánh giá mình ít nhất phải thuộc hàng 70%. Những người nhiều khả năng là chẳng biết gì về vấn đề được hỏi, lại tự tin rằng mình biết nhiều như chuyên gia.

Kết quả nghiên cứu của Dunning và Kruger xuất hiện thêm nhiều lần ở các khía cạnh được hỏi khác nhau: cờ vua, kĩ năng toán học, khả năng nhận biết và thưởng thức rượu vang, kiến thức y học với người được hỏi là bác sĩ phẫu thuật, kiến thức về vũ khí với người được hỏi là các thợ săn.

Trong thực tế, hiệu ứng Dunning-Kruger thường vô hại. Trong một bài kiểm tra Hóa học, bạn tự tin với câu trắc nghiệm nhưng hóa ra đáp án bạn chọn lại sai bét, bạn đã trải nghiệm hiệu ứng Dunning-Kruger trên chính bản thân mình. Ngồi nói chuyện với một nhóm bạn, một thanh niên đưa ra tuyên bố rất nhảm nhí về một sự việc, mà rõ ràng sự thật chứng minh chuyện đó không bao giờ xảy ra, bạn đã trải nghiệm hiệu ứng Dunning-Kruger xuất hiện tại một cá nhân khác.

Nhưng có những trường hợp hiệu ứng Dunning-Kruger nguy hiểm đến cả tính mạng người khác. Năm 2017, nhà giải phẫu thần kinh Christopher Duntsch bị bỏ tù chung thân vì làm nhiều bệnh nhân bị thương tật vĩnh viễn. "Khả năng của ông ta vô cùng thảm hại", đồng nghiệp của Duntsch lên tiếng, sau một buổi phẫu thuật cột sống thất bại. "Ông ta tác nghiệp ở trình độ bác sĩ nội trú năm nhất hoặc năm hai, nhưng có vẻ bản thân ông ta chẳng biết mình kém cỏi đến mức nào".

Christopher Duntsc, ví dụ cho thấy sự nguy hiểm của hiệu ứng Dunning-Kruger.
Christopher Duntsc, ví dụ cho thấy sự nguy hiểm của hiệu ứng Dunning-Kruger.

Nhà nghiên cứu Dunning nói rằng hiệu ứng đặc biệt nguy hiểm khi tồn tại ở những cá nhân có tầm ảnh hưởng lớn. Ông nói thêm rằng nhiều vụ tai nạn máy bay thương tâm đã có thể không xảy ra, nếu như phi hành đoàn báo cáo lên cấp trên về vị phi công tự tin quá mức.

"Sẽ có lúc bạn thấy trường hợp những người khác quá tôn trọng người quản lý nên không đưa ra nhận định thật lòng", ông Dunning giải thích. "Xung quanh bạn cần phải có những người sẵn sàng lên tiếng mỗi khi bạn mắc lỗi".

Vậy nếu như những người kém hiểu biết có thể tự nhận lỗi về mình? Liệu họ có quá tự tin vào những gì họ biết, để từ chối cải thiện bản thân? Không bất ngờ khi chuyện này rất hiếm xảy ra, nghiên cứu nối tiếp của nhà khoa học Dunning cho thấy những người bất tài cũng là những cá nhân không chịu tiếp nhận những lời chỉ trích, không hứng thú gì với việc cải thiện bản thân.

Cập nhật: 18/01/2019 Theo Trí Thức Trẻ
  • 2.617