Nghiên cứu cho thấy người ta văng tục nhiều gấp ... 800 lần khi nói mơ

  •  
  • 691

Rất khó để kiểm soát những gì bạn nói, tốt hơn hết, bạn nên ngủ một mình.

Đã bao giờ bạn thấy lo ngại về những gì mình nói khi đang mộng mị? Nếu có thì đúng rồi đó, bởi theo một nghiên cứu mới được công bố, những gì bạn nói ra trong mơ thậm chí còn tệ hơn cả những thứ bạn nói ngoài đời.

Trong nghiên cứu này, các nhà khoa học nhận thấy rằng các đối tượng nghiên cứu nói “không” nhiều hơn gấp 4 lần so với bình thường. Chưa hết, số lượng văng tục chửi bậy là gấp…800 lần so với lúc tỉnh giấc.

Nghiên cứu được thiết kế trên 230 đối tượng người trưởng thành, ghi lại giấc ngủ trong vòng 2-3 đêm liên tiếp với tổng cộng gần 900 giấc ngủ. Bởi nói mơ là một hiện tượng tương đối hiếm gặp, nên đối tượng được chọn vào nghiên cứu thường mắc phải các rối loạn giấc ngủ gây ra nhiều hành vi bất thường khi đang ngủ.

Các đối tượng nghiên cứu sẽ được ghi nhận các thông số về từ ngữ, quãng im lặng, tông giọng, thái độ cũng như các ngôn ngữ tiêu cực. Kết quả này sẽ được so sánh với ngân hàng dữ liệu ngôn ngữ lớn nhất nước Pháp, để xem khi ngủ và khi thức chúng ta ăn nói khác nhau ra sao, cả về câu từ lẫn ngữ cảnh.

Đại bộ phận (59%) những cơn nói mơ chỉ là những tiếng chưa hoàn chỉnh.
Đại bộ phận (59%) những cơn nói mơ chỉ là những tiếng chưa hoàn chỉnh.

Các nhà nghiên cứu nhận thấy rằng, đại bộ phận (59%) những cơn nói mơ chỉ là những tiếng chưa hoàn chỉnh, như thì thầm, lầm bầm, hoặc tiếng cười. Nhưng số lượng từ ngữ tiêu cực thì lại chiếm tỉ lệ cao chót vót: 24% có nội dung xấu, 22% có từ phản cảm, và từ “không” xuất hiện trong 5% số trường hợp (trong khi nó chỉ chiếm 2,5% số câu nói ra khi tỉnh giấc).

Từ F*** xuất hiện với tần suất rất dày đặc, và nó là từ hay gặp nhất trong nghiên cứu này. Chiếm tỉ lệ lên tới 2,5% khi bạn đang mơ ngủ, trong khi tỉ lệ xuất hiện khi bạn đang tỉnh chỉ là 0,003%.

Đâu là nguyên do của tình trạng này? Thuyết “Mô phỏng nguy hiểm”, một học thuyết giải thích về cơ chế vận hành của những giấc mơ, có thể đưa ra câu trả lời khả dĩ. Học thuyết này cho rằng, giấc mơ là một mô hình giúp “huấn luyện” con người trước các mối hiểm họa có thể xảy ra trong đời thực – đây cũng rất có thể là một đặc điểm tiến hóa chỉ có riêng ở loài người.

Vùng trung tâm ngôn ngữ vẫn hoạt động ngay cả khi chúng ta đang ngủ.
Vùng trung tâm ngôn ngữ vẫn hoạt động ngay cả khi chúng ta đang ngủ.

Dù những từ ngữ phát ra khi nói mơ có thể có xu hướng thô bạo và tục tĩu hơn khi tỉnh, nhưng kết quả nghiên cứu cho thấy, nội dung và ngữ cảnh của chúng không khác mấy so với lúc tỉnh giấc. Những câu nói mơ vẫn giữ nguyên sự chính xác về mặt cấu trúc ngữ pháp và đi theo đúng những mô hình ngôn ngữ, cũng như số lượng từ và quãng nghỉ thường lệ khi đối tượng tỉnh giấc. Chi tiết này có thể đưa đến gợi ý rằng, vùng trung tâm ngôn ngữ vẫn hoạt động ngay cả khi chúng ta đang ngủ, thế nhưng, việc có quá nhiều âm tiết chưa hoàn chỉnh, như những tiếng lầm bầm, thì thầm lại cho thấy có sự điều chỉnh ức chế nhất định từ bộ não.

Dù chỉ là những nét phác thảo ban đầu, nhưng những kết quả từ nghiên cứu này đã đưa ra một số gợi ý rất có giá trị trong việc tiếp tục khai thác những bí ẩn về giấc ngủ và giấc mơ. Câu trả lời cho những bí ẩn này sẽ giúp loài người hiểu rõ hơn về chính mình, bởi, khi không còn bị đè nén bởi những áp lực đời thường, giấc mơ chính là nơi loài người bộc lộ rõ nhất bản chất và ham muốn của mình.

Cập nhật: 13/01/2018 Theo Trí Thức Trẻ
  • 691