Nghiên cứu hóa thạch cho thấy không phải tất cả động vật có răng kiếm đều là động vật săn mồi

  •  
  • 306

Hóa thạch cho thấy: Không phải tất cả động vật có răng kiếm đều là động vật ăn thịt! Việc sử dụng những chiếc răng nanh khổng lồ không chỉ để hạ gục đối thủ, chúng còn có khả năng tán tỉnh hoặc các chức năng hiển thị khác - ngay cả đối với động vật ăn cỏ.

Hình minh họa mô tả Tiarajudens một chi tuyệt chủng của các loài dị thường
Hình minh họa mô tả Tiarajudens một chi tuyệt chủng của các loài dị thường, chúng là loài động vật có răng kiếm lâu đời nhất được biết đến và sống cách đây khoảng 260 triệu năm - trong thời kỳ Trung Permi ở vùng mà ngày nay là Rio Grande do Sul, Brazil.

Con tem bưu chính Campuchia này mô tả loài động vật có vú đã tuyệt chủng Uintatherium.
Con tem bưu chính Campuchia này mô tả loài động vật có vú đã tuyệt chủng Uintatherium. Con vật 56 triệu năm tuổi này trông giống như một con tê giác với sáu chiếc sừng mập mạp và những chiếc răng dài sắc nhọn.

Trên thực tế, khi nhắc đến động vật có răng kiếm, chắc hẳn mọi người sẽ nghĩ ngay đến loài Smilodon - hổ răng kiếm - loài động vật săn mồi thời kỳ băng hà này lớn hơn loài hổ lớn nhất còn tồn tại trên Trái đất. Nó thường quật ngã con mồi xuống đất bằng các chi cực khỏe, sau đó dìm hàm răng nanh dài 18 cm của mình vào phần bụng hoặc cổ họng của con mồi. Và loài hổ răng kiếm cũng được miêu tả rất nhiều trong các viện bảo tàng, tiểu thuyết và phim ảnh, chúng nổi tiếng là hiện thân của sự tàn bạo, với hàm răng nanh cong dài, chúng săn đuổi những con mồi trên đồng cỏ kỷ Pleistocen ở Bắc Mỹ.

Hổ răng kiếm.
Hổ răng kiếm.

Larisa DeSantis, nhà cổ sinh vật học tại Đại học Vanderbilt cho biết: "Hàm răng kiếm của chúng có chức năng khiến cho máu của con mồi chảy nhanh hơn, chứ không phải cắn vào cổ con mồi để làm nó chết ngạt như những con hổ, sư tử hiện đại. Chiến lược săn mồi này cho phép những kẻ săn mồi như vậy đối phó với những con mồi lớn, chẳng hạn như lạc đà không bướu khổng lồ và ngựa hoang lang thang trên Trái đất trước khi kết thúc kỷ băng hà cuối cùng".

Nhưng hổ răng kiếm không phải là con thú duy nhất có răng kiếm. Loài động vật ăn thịt vĩ đại này chỉ là thành viên cuối cùng và lớn nhất của họ mèo có răng nanh dài và đã phát triển mạnh mẽ trong 16 triệu năm. Ví dụ, họ hàng thú có túi của nó - Thylacosmilus, có răng nanh dài tương tự như hổ răng kiếm. Tuy nhiên, trong một nghiên cứu gần đây, các nhà khoa học phát hiện ra rằng loài này có thể không phải là một kẻ kẻ săn mồi hoàn toàn, thay vào đó chúng giống với loài ăn xác thối hơn, chúng có thể dùng răng nanh dài để xẻ thịt, thưởng thức bữa ăn do các động vật khác bỏ lại.

Phát hiện này có thấy rằng chức năng của răng kiếm đa dang hơn những gì các nhà khoa học vẫn nghĩ. Ngay cả những động vật ăn cỏ cũng đã phát triển những chiếc răng dài và sử dụng chúng như một công cụ trưng bày hoặc một vũ khí chống lại đối thủ khi nhai lá cây.

Julie Meachen, nhà cổ sinh vật học tại Đại học Des Moines cho biết: "Có nhiều lý do để sử dụng răng nanh".

 Thylacosmilus
Thylacosmilus là một loài thú răng kiếm có túi đã tuyệt chủng đã từng sống ở Nam Mỹ từ thời Miocene muộn đến Piacenzia.

Xét về khái niệm thì răng nanh là hai chiếc răng sắc nhọn dài bất thường mọc từ hàm trên phía trước thường là để dùng làm vũ khí tấn công, vũ khí phòng vệ hay làm công cụ để thực hiện động tác xé, xẻ thức ăn ở các loài động vật.

Nhiều loài linh trưởng - từ vượn cáo đến khỉ đầu chó và tinh tinh, chúng đều có răng nanh dài. Khi nhìn vào hộp sọ của chúng, rất nhiều người có thể sẽ nghĩ rằng đây là những chiếc răng kiếm. Nhưng răng nanh của chúng thuôn nhọn, thay vì mỏng và phẳng như hổ răng kiếm, điều đó có nghĩa là răng nanh của chúng không phải là răng kiếm thật.

Người ta đã phát hiện ra rằng loài động vật đầu tiên phù hợp với định nghĩa răng kiếm sống cách đây khoảng 260 triệu năm - và nó không phải là động vật ăn thịt. Vào năm 2011, loài Tiarajudens eccentricus được đặt theo tên của một hóa thạch được khai quật ở Brazil. Nó cao bằng một con chó cỡ trung bình. Loài động vật này thuộc bộ khớp thần kinh (synapsids), một nhánh tiến hóa của động vật có xương sống, là một họ lớn bao gồm động vật có vú và tất cả các họ hàng gần của chúng đều sở hữu hàm trên có 1 cặp răng nanh dài và phẳng - có thể nói đây là những cặp răng kiếm đầu tiên trên thế giới.

Tuy nhiên, những chiếc răng khác của loài động vật có vú nguyên thủy này cho thấy nó là loài ăn chay. Vậy tại sao động vật ăn cỏ lại cần một cặp răng nanh nổi bật như vậy? Tiarajudens có thể dùng cặp răng này để thể hiện bản thân hoặc chiến đấu với đồng loại. Khi xung đột xảy ra, những con Tiarajudens có hàm răng lớn hơn có thể giành chiến thắng. Nếu việc đe dọa không hiệu quả, những con vật này thậm chí có thể tấn công lẫn nhau để giải quyết tranh chấp.

 Chức năng của răng kiếm đa dang hơn những gì các nhà khoa học vẫn nghĩ. 
 Chức năng của răng kiếm đa dang hơn những gì các nhà khoa học vẫn nghĩ.

Mặc dù các nhà cổ sinh vật học đã mô tả và nghiên cứu răng nanh từ thế kỷ 19, thế nhưng cuộc thảo luận về cách động tiền sử sử dụng răng nanh như thế nào đã gây ra tranh cãi rất nhiều. Thậm chí, hổ răng kiếm dù chắc chắn chúng là một loài động vật ăn thịt, nhưng mô tả về cách sử dụng răng của chúng đã bị thay đổi vài lần, theo nhiều cách khác nhau.

Ở thời điểm hiện tại, nhờ công nghệ phân tích hiện đại cho phép các nhà cổ sinh vật học mô phỏng vết cắn của động vật ăn thịt răng kiếm, các nhà khoa học gần đây đã đạt được đồng thuận rằng hổ răng kiếm và những kẻ săn mồi tương tự dùng răng để tấn công cổ họng hoặc các bộ phận mềm khác của cơ thể của con mồi. Đòn sát thương khổng lồ gây ra có thể khiến chúng nhanh chóng mất máu mà chết. Hộp sọ của hổ răng kiếm cũng có thể được nhìn thấy với những vết thương thủng sâu do những chiếc răng nanh dài gây ra, cho thấy những kẻ săn mồi hàng đầu này không ngần ngại sử dụng vũ khí của chúng lên nhau.

Kể từ nguồn gốc cổ đại của kỷ Permi, răng kiếm đã nhiều lần xuất hiện trong hồ sơ hóa thạch. Loài ăn thịt giống chó - Gorgonopsians - sống từ 252 triệu đến 270 triệu năm trước, một số có thể nặng bằng gấu Bắc Cực trưởng thành - cũng đã phát triển những chiếc răng giống như kiếm để đâm xuyên lông con mồi.

Động vật ăn cỏ như Tiarajudens có thể sử dụng những chiếc răng nanh dài để tấn công và chiến đấu như những con hươu xạ còn sống ngày nay. Mặc dù động vật linh trưởng không có răng kiếm, nhưng chúng cũng sử dụng răng nanh dài để bảo vệ chống lại những kẻ săn mồi, đồng thời đe dọa lẫn nhau trong các cuộc chiến giữa các con đực.

Phải mất hàng chục triệu năm, các loài động vật có vú ăn thịt mới có thể phát triển lại răng kiếm. Khoảng 40 triệu năm trước, loài mèo có răng kiếm xuất hiện, nhưng 16 triệu năm trước, loài mèo có răng kiếm thực sự đầu tiên đã tiến hóa. Kể từ đó, những kẻ săn mồi răng kiếm đã thành công trong việc thống trị Trái đất cho đến khi loài hổ răng kiếm tuyệt chủng cách đây 10.000 năm.

Cập nhật: 22/09/2021 Theo Tổ Quốc
  • 306