Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) ngày 17/8 thông báo sẽ triển khai nghiên cứu về tác động của tiếng ồn do con người gây ra đối với các sinh vật sống trong các đại dương trên toàn cầu.
Nghiên cứu này kéo dài một thập kỷ mang tên “Thử nghiệm quốc tế về sự yên tĩnh của đại dương” (IQOE) nhằm thu hẹp khoảng cách tri thức về tác động của tiếng ồn trên các đại dương, giúp việc quản lý tiếng ồn này hiệu quả hơn và mang tính chính thống hơn trong bối cảnh công nghiệp hóa các đại dương ngày càng tăng trong quá trình phát triển kinh tế toàn cầu.
Liên hợp quốc sẽ tổ chức Hội nghị quốc tế về vấn đề này vào cuối tháng 8 và đầu tháng 9 tới.
Các nhà hải dương học, các khu vực tư nhân và quân sự trên thế giới nhấn mạnh mặc dù chưa có nhiều nghiên cứu về vấn đề này nhưng biểu hiện của các sinh vật trong các đại dương cho thấy tiếng ồn do con người gây ra trên các đại dương có thể đã làm đảo lộn cuộc sống bình thường của chúng, làm giảm khả năng tìm thức ăn, bạn tình, đặc biệt là khả năng tránh kẻ thù.
Nhiều sinh vật đại dương phụ thuộc vào âm thanh như là nguồn thông tin môi trường cũng như con người phụ thuộc vào thị lực.
Tiếng ồn do con người gây ra, đặc biệt có một số âm thanh có thể làm thay đổi hành vi của các động vật biển, giảm khả năng thực hiện các chức năng sống bình thường của chúng.
Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP) đã cảnh báo 270 loài sinh vật biển và đại dương bị tác động do ăn phải các chất thải do con người thải ra đại dương.