Cá kiếm sống sót với cơ thể đầy lỗ khoét kinh dị

  •  
  • 2.051

Các ngư dân kinh ngạc khi bắt được một con cá kiếm mình đầy lỗ khoét, thủ phạm nhiều khả năng là một loài cá mập đặc biệt.


Các ngư dân kéo con cá kiếm kỳ lạ lên tàu. (Video: TK Offshore Fishing).

Khi đang đánh cá ở biển San Hô, Australia, thuyền trưởng T. K. Walker cùng thủy thủ đoàn bắt gặp một con vật khác thường, Newsweek hôm 21/7 đưa tin. Sau khi kéo một con cá kiếm lớn lên khỏi mặt nước, họ phát hiện cơ thể nó có hàng chục lỗ hình bầu dục, giống như tác phẩm của dụng cụ cắt bánh quy. "Tôi chưa từng chứng kiến vụ tấn công nào như vậy trong suốt 40 năm làm việc", Walker chia sẻ.

Thủ phạm gần như chắc chắn là cá mập cắt bánh quy (Isistius brasiliensis), còn gọi là cá mập xì gà, hay đúng hơn là cả một đàn cùng tấn công. "Chắc hẳn là một cuộc tấn công tập thể. Chúng đã kiếm được nhiều hơn là một bữa ăn nhẹ", Walker nói.

Cá mập cắt bánh quy là loài vật nhỏ, hình dạng giống điếu xì gà, hiếm khi dài quá 0,5 m, theo Viện Nghiên cứu Cá mập (SRI). Chúng phân bố ở các vùng biển nhiệt đới thuộc Đại Tây Dương, Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương.

Con cá kiếm với nhiều vết khoét trên cơ thể.
Con cá kiếm với nhiều vết khoét trên cơ thể.

Điểm đặc trưng nhất của loài vật này có lẽ là chiến lược kiếm ăn khác thường. Mặt dưới của cá mập cắt bánh quy có các cơ quan nhỏ phát sáng gọi là photophore. Chúng tạo ra ánh sáng xanh lục ở mặt dưới của cá mập, dùng để dụ những con cá khác.

Răng của cá mập cắt bánh quy cũng rất khác thường. Chúng có 37 chiếc răng nhỏ ở hàm trên, trong khi hàm dưới có những chiếc răng tam giác lớn hơn và nối liền với nhau ở gốc, giống như dụng cụ cắt bánh quy. Sau khi dụ được con mồi, cá mập dùng miệng mút và những chiếc răng nhọn bám vào cơ thể đối tượng, sau đó vặn mình 360 độ để lấy đi một miếng thịt. Bằng cách này, chúng có thể tấn công những loài lớn hơn nhiều như cá ngừ, cá kiếm, cá heo và cả những loài cá mập khác.

"Chúng lao vào trong khi con cá đang bơi, cắn một miếng thịt rồi lại cắn tiếp trước khi con cá lớn hơn kịp phản ứng. Tôi có thể hình dung chuyện này giống như muỗi vo ve xung quanh những con cá kiếm và cá ngừ lớn", Walker cho biết.

Theo Walker, loài cá mập này tương đối phổ biến ở biển San Hô. "Chúng tôi thấy những vết cắn này hàng ngày và thường thì cá sẽ có 3 hoặc 4 vết cắn mới, thêm nhiều vết đã hoặc đang lành", ông nói.

Tuy nhiên, rất hiếm cá có nhiều vết cắn mới như con cá kiếm Walker bắt được. "Nó vẫn còn sống khi được chúng tôi kéo lên tàu. Các vết cắn vẫn đang chảy máu nên chuyện này chỉ vừa mới xảy ra", Walker nói.

Cập nhật: 03/10/2024 VnExpress
  • 2.051