Đã qua rồi cái thời nghiên cứu thiên văn phải có kính viễn vọng lớn, đắt tiền và phải là những nhà nghiên cứu chuyên nghiệp. Thời đại số ngày nay đang “mở cửa” rất rộng với tất mọi người, chỉ cần họ thoả mãn hai yếu tố: thực sự đam mê khám phá vũ trụ và một... máy tính nối mạng Internet.
Là một nhà thiên văn học nghiệp dư, ngay khi còn nhỏ, Bianco đã rất đam mê tính phức tạp của dải thiên hà. Hiện tại, anh là thành viên của một cộng đồng trực tuyến đang rất phát triển chuyên nghiên cứu, sàng lọc hàng núi dữ liệu do các nhà khoa học thực thụ thu thập được trong quá trình tìm kiếm những hành tinh khác.
Mặc dù chưa có phát hiện nào mang tính đột phá nhưng Bianco đang “mon men” bên lề của công tác nghiên cứu khoa học thiên văn thực thụ.
Trước đây, các nhà thiên văn học nghiệp dư chưa bao giờ được thoải mái tiếp cận với các dữ liệu thiên văn. Những thứ đó một thời chỉ dành cho các nhà khoa học chuyên nghiệp sở hữu kính viễn vọng lớn. Tuy nhiên, trong bối cảnh mới của ngành thiên văn học hiện nay, các chuyên gia đang ngày càng cần hơn sự trợ giúp của những kẻ “ngoại đạo” nhưng có chút đam mê thám hiểm vũ trụ này.
Nhóm “học việc” sẽ dùng máy tính để nghiên cứu, phát triển các hình ảnh và dữ liệu. Tất cả đều theo đuổi mục tiêu chung là có những bước ngoặt trong công cuộc khám phá.
“Chúng tôi đang sống trong kỷ nguyên vàng của thiên văn học”, Bianco phấn khởi nói. Đó là lĩnh vực đam mê đặc biệt của Bianco bởi ngoài đời, anh lại là giáo sư môn khoa học chính trị tại trường Đại học Indiana (Mỹ).
Nhờ có công nghệ máy tính mà những người mới “tập tọng” vào nghề như Bianco có thể chuyển từ những kẻ “quan sát bầu trời” đơn thuần bước sang thành các trợ thủ nghiên cứu khoa học.
Ngay cả trước khi thiên văn học ảo ra đời thì những người nghiên cứu nghiệp dư cũng đã tự mình làm được “vô khối” chuyện. Họ đã quan sát các hành tinh nhỏ để tìm kiếm những vụ nổ sao băng, dõi tìm những sao chổi mới.
Năm 1995, chính nhà thiên văn học mới vào nghề Thomas Bopp đã lưu lại tên tuổi của mình với hậu thế do đồng phát hiện ra sao chổi Hale-Bopp.
|
William Bianco đang kiểm tra các dữ liệu thiên văn trên máy tính cá nhân tại Bloomington,bang Indiana (Mỹ). (Ảnh: AP) |
Từ cuối những năm 1990, ngành thiên văn học ảo (virtual astronomy) phát triển mạnh. Một trong những dự án dành cho các “
nhà khoa học bình dân” đầu tiên là SETI. Dự án phân phối phần mềm giúp tạo ra một siêu máy tính ảo nhờ khai thác các máy tính cá nhân nối mạng nhàn rỗi để tìm kiếm tín hiệu phát sóng radio của người ngoài hành tinh.
Internet: Cơ hội vàng cho giới thiên văn học nghiệp dư Bianco là thành viên của một dự án Internet có tên Systemic. Systemic tự hào có cả thảy 750 nhà “
săn hành tinh” nghiệp dư. Cho tới nay thì các nhà thiên văn học đã phát hiện được hơn 200 hành tinh trên toàn thái dương hệ bằng các phương pháp truyền thống, dù vậy thì khả năng vẫn còn rất nhiều những hành tinh khác chưa được tìm ra.
Những người tham gia dự án sẽ tải phần mềm về máy tính rồi xem xét các dữ liệu, tính toán mức rung động rất nhỏ do lực hấp dẫn gây ra trong các chuyển động của ngôi sao khi tìm kiếm những hành tinh quay quanh chúng. Ngoài ra, họ còn phải giải mã các dữ liệu tái tạo của hệ hành tinh do các nhà quản lý dự án đưa ra. Việc này sẽ giúp các chuyên gia thiên văn học hiểu rõ hơn về những hành tinh ngoài hệ mặt trời.
Theo ông Greg Laughlin, trưởng dự án Systemic đồng thời là nhà thiên văn học thuộc trường đại học Santa Cruz, California, tới nay, những thành viên trực tuyến kiểu đó đã xác định được hàng trăm hành tinh thuộc diện “
xem xét”, nhưng chỉ khoảng 5 trong số đó có thể đúng là lần đầu được phát hiện. Ông khẳng định:
“Tuy nhiên, đó không phải là một trò chơi vô bổ”.
Mặc dù trang web dự án Systemic có hỗ trợ các công cụ tìm kiếm song nó không trực tiếp công bố các phát hiện của thành viên, ông Laughlin cho biết, nếu những nhà nghiên cứu nghiệp dư muốn công bố các phát hiện của mình, họ cần tìm phương thức khác, có thể là một tạp chí khoa học chẳng hạn, để tạo được uy tín lớn hơn.
Bà Terry Mann, chủ tịch Liên đoàn Thiên văn học, tổ chức của hơn 240 câu lạc bộ thiên văn học nghiệp dư của Mỹ cho rằng, trước khi ngành thiên văn học ảo ra đời, những người mới vào nghề thiên văn phải mất rất nhiều thời giờ mới có thể thông báo được những phát hiện của họ. Nhưng nay, tiện ích Internet tốc độ cao, thường xuyên cập nhật đã xoá nhoà khoảng cách giữa nhà nghiên cứu chuyên nghiệp và những người nghiệp dư.
Năm ngoái, bà Mann đã đăng ký nhận nhiệm vụ phân tích kho hình ảnh trực tuyến của các hạt bụi sao siêu nhỏ lần đầu tiên có được do tàu vũ trụ của NASA chụp được, mang về trái đất.
Công việc cực kỳ khó nhọc. Bà Mann cùng với 25.000 tình nguyện viên đã phải dò lần hàng nghìn ảnh kỹ thuật số để tìm kiếm những vệt dài hình cà rốt cực nhỏ do hạt bụi sao tạo ra. Người ta cho rằng, những vệt đó chính là dấu vết còn lại của các vụ nổ sao trong vũ trụ.
Sau quá trình làm việc đầy nỗ lực, bà Mann đã nộp lên 40 trường hợp có thể có hình ảnh của bụi sao trong ảnh. Nếu những trường hợp này đúng, những nhà nghiên cứu nghiệp dư có công tìm ra sẽ được “
vinh danh” trong tạp chí khoa học do các nhà nghiên cứu trường Đại học Berkeley, California xuất bản. Đại học Berkeley cũng là đơn vị chủ quản của dự án Stardust.
Bà Mann khẳng định: “
Các nhà nghiên cứu nghiệp dư có thể làm khoa học thực sự. Chúng tôi sẵn lòng giúp đỡ họ”.
Ông Andrew Westphal, phó giám đốc Phòng thí nghiệm khoa học không gian của trường Berkeley tỏ ý ca ngợi các nhà nghiên cứu nghiệp dư. Ông nói: “
Họ đã tìm kiếm rất giỏi. Tôi nghĩ ở điểm này họ còn giỏi hơn chúng tôi nữa kia”.
Có thể nói, mạng Internet đã đem lại lợi ích đáng kể cho các nhà thiên văn học chuyên nghiệp, những người luôn phải đấu tranh để giành được quãng thời gian hiếm hoi được làm việc tại những đài thiên văn lớn. Từ năm 2001, Quỹ khoa học quốc gia (National Science Foundation) đã tài trợ một dự án 10 triệu USD để xây dựng một
“đài thiên văn ảo quốc gia”. Đài thiên văn này sẽ gồm toàn bộ dữ liệu thu thập từ các kính viễn vọng không gian và mặt đất, kể cả ảnh do kính viễn vọng Hubble và các dữ liệu tia X (X-ray data) của Đài thiên văn Chandra.
Dự án này vẫn đang trong quá trình phát triển và người dùng chủ yếu vẫn là các chuyên gia muốn có một nguồn chính thức khai thác hình ảnh lưu trữ. Theo người quản lý dự án, ông Robert Hanisch, thuộc Viện khoa học viễn vọng không gian, các học sinh trung học và sinh viên đại học cũng ngày càng quan tâm tới web site của dự án hơn.
Đỗ Dương