Nghiền rác thành... tiền

  •  
  • 3.199

Nguyễn Quốc Tuấn, thợ cơ khí 32 tuổi ở thị trấn Lạc Tánh (Tánh Linh) đã mày mò, chế tạo máy sàng lọc, nghiền rác để làm phân bón. Máy của anh được nhiều địa phương đến tìm hiểu và đặt hàng…

Bố mất sớm, đang học lớp 11, Tuấn phải nghỉ để đi làm thuê kiếm tiền phụ mẹ giúp các em.Thấy làm mướn chỉ đủ sống qua ngày, Tuấn xin mẹ đi học nghề hàn tiện. Sau hai năm học nghề ở TP HCM, thêm ba năm đi làm, Tuấn đã tích lũy được kha khá kinh nghiệm cùng một ít vốn ban đầu. Năm 1995, tiệm sửa chữa cơ khí bên bờ Sông Cát ở thị trấn Lạc Tánh (Tánh Linh) của chàng trai trẻ 20 tuổi Nguyễn Quốc Tuấn mở ra.

Đi lên từ người thợ …

Ban đầu Tuấn chỉ làm cửa sắt, hàn tiện máy móc đơn giản. Ở Tánh Linh vào những năm 1995 - 1997 người dân chưa làm lúa vụ ba nhiều như những năm sau này, có nhiều nguyên nhân nhưng thủy lợi là lý do khiến nông dân ngại nhất. Gần sông La Ngà, nguồn nước phong phú nhưng máy bơm nước công suất nhỏ thì không hút được nước lên đồng ruộng, máy lớn thì nông dân không sắm nỗi. Trong một lần “lai rai” với mấy lão nông ở xóm, câu chuyện máy bơm nước đã làm Tuấn suy nghĩ mấy đêm. Sau đó anh bàn với lão nông Năm Rê gần nhà, mượn máy bơm để nâng cấp và thành công ngoài mong đợi.

Từ khi nâng cấp máy bơm nước thành công, nông dân trong vùng tìm đến đặt hàng ngày càng nhiều để làm lúa vụ ba. Rồi Tuấn lại làm được cả máy tách hạt bắp, đậu, xắt lát củ mì… Năm 2007, biết Tuấn có năng khiếu về máy móc, anh Nguyễn Hữu Nghĩa, Phó giám đốc Trung tâm phát triển cộng đồng Thiện chí Tánh Linh, đem tới tiệm Tuấn một bao tải rác khô hỗn hợp, đặt hàng Tuấn sản xuất chiếc máy sàng lọc rác (tách sắt, đá ra riêng) và nghiền rác thô thành chất bột từ một đến hai ly, để đầu tư cho nhà máy xử lý rác thải Lạc Tánh.

Suy nghĩ mấy đêm liền về cơ chế hoạt động, lợi ích về cải tạo môi trường khi chế tạo được cái máy nghiền rác, Tuấn quyết định mạo hiểm “thử một lần cho biết”… Chưa tới ngày hẹn, nhưng Tuấn đã gọi anh Nghĩa thông báo nhận sản xuất máy.

Mạnh dạn nhận đặt hàng

Tháng 5/2007, hợp đồng kinh tế sản xuất máy nghiền rác được ký kết, gắn cả ràng buộc trách nhiệm bồi thường hẳn hoi. Tuấn kể: “Làm biết bao nhiêu máy rồi chưa bao giờ sợ, nhưng khi đặt bút ký vào hợp đồng sản xuất máy nghiền rác, người mình cứ run bần bật, tay cầm viết ký không chuẩn luôn”. Đó là hợp đồng đầu tiên có số tiền tương đối lớn trong đời có dính dáng đến nghề, khiến Tuấn không thể nào quên. 

Anh Nguyễn Quốc Tuấn bên cạnh chiếc máy nghiền rác. Ảnh: Trần Thi



Ký hợp đồng xong mà loay hoay hết một tháng Tuấn vẫn chưa hoàn thiện được bản vẽ chiếc máy. Rồi trong một lần ăn cơm trúng sạn, vợ Tuấn cằn nhằn nhà máy xay gạo trong thôn xuống cấp không lọc hết sạn. Nghe vậy Tuấn bỏ dỡ bữa ăn, chạy ù ra tiệm tháo bung chiếc máy xay gạo cũ mua trước đó để lấy bộ phận lọc sạn ra làm hình mẫu cho bộ phận sàng lọc, tách sắt thép từ rác hỗn hợp trước khi nghiền.

Sau đó, anh nghiên cứu các bộ phận xay xát khác để chế tạo ra dàn xay rác thành bột. Ba tháng kiên trì thử lắp ráp hết lần này đến lần khác lắp ráp và chạy thử, cuối cùng chiếc máy sàng lọc, nghiền rác có công suất 1,5 tấn mỗi ngày cũng hoàn thiện.

Anh Nguyễn Hữu Nghĩa, cho biết: "Có máy nghiền rác của Tuấn, nhà máy xử lý rác thải Lạc Tánh sản xuất được phân bón hữu cơ chất lượng cao vì tách được chất thải cứng, tỉ lệ mùn đạt trên 70%, phân có tác dụng làm tơi xốp đất, lại không độc hại với môi trường nên thị trường rất ưa chuộng. "

Phân của nhà máy xử lý rác Lạc Tánh bán chạy trên thị trường, nhiều người bắt đầu quan tâm đến công nghệ sản xuất, trong đó có máy sàng lọc, nghiền rác của Tuấn. Vậy là nhiều địa phương đến tìm hiểu, rồi đặt hàng Tuấn làm, Tháng 5/2008 vừa rồi, Tuấn mới sản xuất được chiếc máy sàng lọc nghiền rác công suất 5 tấn mỗi ngày cho đảo Phú Quý.

Hiện Tuấn đang làm chiếc máy khác có công suất gần 7 tấn mỗi ngày cho đơn đặt hàng khác. Bên cạnh đó, Tuấn cũng đang hoàn tất hồ sơ xin đăng ký bản quyền sở hữu trí tuệ về chiếc máy do mình sáng tạo…

Theo Báo Đất Việt
  • 3.199