Ngôi sao phát nổ gần Trái đất, tiêu diệt cá mập khổng lồ

  •   4,73
  • 4.936

Cá mập siêu khổng lồ, bò biển to như cá voi... đã tuyệt chủng do hàng loạt ngôi sao phát nổ trước khi chết đi, ở khoảng cách đủ gần để tung phóng xạ xuống Trái đất.

Các siêu tân tinh (sinh ra vào khoảnh khắc bùng nổ cuối đời trước khi tàn lụi hẳn của một ngôi sao) trông tuyệt đẹp theo quan sát bởi kính thiên văn. Nhưng một loạt cảnh tượng rực rỡ ấy từng xảy ra cách Trái đất chỉ 325 năm ánh sáng và gây nên thảm họa tuyệt chủng cho 1/3 sinh vật biển.

Ngôi sao phát nổ thành siêu tân tinh đã tung "mưa" phóng xạ xuống Trái đất
Những ngôi sao phát nổ thành siêu tân tinh đã tung "mưa" phóng xạ xuống Trái đất, tiêu diệt hàng loạt sinh vật biển cỡ lớn - (ảnh minh họa từ LIVE SCIENCE).

Theo một bài báo vừa đăng tải trên tạp chí Astrobiology, nhóm khoa học gia do nhà thiên văn học Adrian Melott, giáo sư danh dự tại Đại học Kansas (Mỹ), đứng đầu khẳng định hàng loạt vụ nổ siêu tân tinh là nguyên nhân khiến mặt biển vắng bóng các "quái vật" khổng lồ.

Bằng chứng khảo cổ cho thấy chúng từng tồn tại trên Trái đất, ví dụ như cá mập megalodon dài 25 m hay bò biển to như cá voi xanh. Hàng loạt vụ nổ siêu tân tinh gần Trái đất trong khoảng 8,7 triệu đến 1,7 triệu năm trước và gây ra đại thảm họa. Khi một ngôi sao phát nổ thành siêu tân tinh, chúng sẽ giải phóng một lượng phóng xạ cực lớn ra xung quanh. Với khoảng cách trung bình chỉ 325 năm ánh sáng như các siêu tân tinh nói trên, một lượng phóng xạ cực khủng có thể bắn đến Trái đất.

Nhóm nghiên cứu đã sử dụng dữ liệu từ một công trình công bố năm 2016 phát hiện dấu vết đồng vị sắt-60 trong lớp trầm tích dưới đáy biển cổ đại. Đó là một biến thể phóng xạ của sắt với chu kỳ bán rã đến 2,6 triệu năm. Các bước nghiên cứu trong công trình mới đưa đến kịch bản về những siêu tân tinh phát nổ và kết nối các sự kiện thiên văn này với thảm họa giết chết 1/3 sinh vật biển.

Theo giáo sư Mellott, lượng phóng xạ mà các ngôi sao chết giải phóng đủ làm tăng 50% tỉ lệ ung thư ở một sinh vật kích cỡ con người. Với một con vật lo lớn, liều bức xạ tăng lên. Đó là lý do các sinh vật siêu khủng đã tuyệt chủng, còn các sinh vật nhỏ hơn thì sống sót. Điều may mắn duy nhất có lẽ là các sinh vật đã chết đều thuộc hàng loạt "quái vật" nguy hiểm.

Ngoài bức xạ vũ trụ, biến đổi khí hậu khiến môi trường Trái đất thay đổi cũng được cho là nguyên nhân kết hợp trong sự tuyệt chủng hàng loạt nói trên.

Cập nhật: 14/12/2018 Theo NLĐ
  • 4,73
  • 4.936