Ngừa bệnh tiêu hóa hay gặp sau bão lụt

  •  
  • 63

Sau bão lụt, môi trường bị ô nhiễm, nguy cơ xảy ra các loại dịch bệnh là rất lớn, đặc biệt là các bệnh tiêu chảy. Cùng với biện pháp cấp bách là xử lý môi trường bị ô nhiễm, cung cấp nước sạch cho nhân dân của các địa phương vùng bão lũ. Bài viết sau đây sẽ giúp bạn đọc có những hiểu biết để phòng chống các bệnh tiêu chảy do tả, lỵ.

Vì sao trong môi trường sau bão lụt dễ mắc bệnh tiêu chảy?

Tại vùng bão lụt, các công trình vệ sinh, cống rãnh bị ngập trong nước nên các chất thải của người và gia súc, xác động thực vật hòa vào nước gây ô nhiễm nặng cho môi trường nước, đất và đồ vật chìm trong nước khiến mầm bệnh rất dễ lan nhiễm vào thức ăn, nước uống gây bệnh cho mọi người dân. Hơn nữa, sau bão lũ, việc cung cấp lương thực và thực phẩm bị hạn chế, nhiều địa phương còn bị cô lập bởi nước lụt, chưa có điều kiện thực hiện ăn chín, uống sôi. Vì vậy, hai loại bệnh tiêu chảy hay gặp nhất sau bão lụt là tả và lỵ. Bài viết này chỉ đề cập rõ việc phòng chống tả và lỵ. 

Trong khi bão lụt nếu có điều kiện dùng nước đóng chai ăn uống để phòng bệnh tiêu chảy.

Trong khi bão lụt nếu có điều kiện dùng nước đóng chai ăn uống để phòng bệnh tiêu chảy.


Đặc điểm của vi khuẩn gây bệnh tả lỵ

Khả năng tồn tại của vi khuẩn: trong nước và thức ăn, nhất là ở nhiệt độ lạnh, phẩy khuẩn tả (PKT) có thể sống được từ vài ngày đến 2-3 tuần. PKT có thể tồn tại nhiều năm trong các động vật thân mềm ở vùng ven biển, nhưng dễ bị diệt bởi nhiệt độ 800C trong 5 phút, bởi hóa chất cloramin B 10% và bởi môi trường axít; trực khuẩn Shigella gây bệnh lỵ tồn tại trong nước ngọt, rau sống, thức ăn từ 7-10 ngày ở nhiệt độ phòng; ở quần áo nhiễm bẩn và trong đất 6-7 tuần, nhưng bị diệt nhanh trong nước sôi, dưới ánh nắng mặt trời và các thuốc khử khuẩn thông thường. Trên thực tế hầu hết các vi khuẩn gây tiêu chảy cấp đều bị diệt bởi nước sôi 1000C và các hóa chất khử khuẩn thông thường.

Biểu hiện lâm sàng

Bệnh tả thể cấp tính điển hình, mức độ nặng có các triệu chứng: đột ngột tiêu chảy dữ dội. Ban đầu phân có thể ít, sệt, sau phân lỏng, toàn nước, màu trắng đục như nước vo gạo có lẫn những hạt trắng lổn nhổn, mùi tanh. Đại tiện nhiều lần, số lượng đến hàng chục lít một ngày. Bệnh nhân dễ nôn, lúc đầu nôn ra nước lẫn thức ăn, sau toàn nước giống như dịch phân, người mệt lả, khát nước, bị chuột rút, rất nhanh bị choáng. Khi bị choáng, bệnh nhân vẫn nôn, tiêu chảy, nhưng lờ đờ, mệt lả, vẻ mặt hốc hác, mắt trũng sâu, má lõm, da nhăn xanh tím, đầu ngón tay ngón chân lạnh, rúm ró. Người lạnh, thân nhiệt chỉ dưới 35oC, mạch nhanh nhỏ, khó bắt, huyết áp tụt thấp (HA tối đa nhỏ hơn 80mmHg). Bệnh nhân tiểu ít hoặc vô niệu. Nếu không điều trị kịp thời, bệnh nhân sẽ tử vong vì choáng không hồi phục.

Lỵ trực khuẩn điển hình mức độ vừa: thường khởi phát đột ngột với các hội chứng nhiễm khuẩn nhiễm độc: sốt 38-39oC, kèm gai rét, nhức đầu, mệt mỏi, mất ngủ, chán ăn; hội chứng lỵ: đau bụng âm ỉ vùng hố chậu trái và hạ vị, xen kẽ có các cơn đau quặn làm bệnh nhân mót đi ngoài, lúc đầu phân sệt lỏng, sau không có phân chỉ có nhầy và máu, dịch phân thường giống như máu cá hay nước rửa thịt; hội chứng mất nước và điện giải: bệnh nhân khát nước, môi khô, tiểu ít, nhưng đo mạch, huyết áp vẫn bình thường.

Nguyên tắc điều trị

Khi bị tiêu chảy nói chung việc đầu tiên phải cho người bệnh uống oresol càng sớm càng tốt. Pha một gói oresol với 1 lít nước đun sôi để nguội hoặc nước đóng chai. Cách uống: trẻ dưới 2 tuổi, uống 50 - 100ml/lần tiêu chảy; trẻ 2 - 9 tuổi, uống 100 - 200ml/lần tiêu chảy; trẻ lớn hơn 10 tuổi và người lớn uống tùy theo nhu cầu cơ thể. Thể nặng cho uống 5ml/kg/giờ, kết hợp với truyền dịch. Nếu không có oresol có thể pha dịch thay thế: 8 thìa cà phê đường, 1 thìa nhỏ muối pha trong 1 lít nước sôi để nguội; hoặc nước cháo 50g gạo và một nhúm muối (3,5g); nước dừa non có pha một nhúm muối. Nếu bệnh nhân bị nôn nhiều nên uống từng ngụm nhỏ.

Điều trị bệnh tả: càng sớm càng tốt, nên điều trị tại chỗ, hạn chế vận chuyển đi xa. Phải cho uống oresol ngay. Thể mất nước nhiều và choáng phải truyền dịch để bồi phụ khối lượng tuần hoàn, các ca bệnh nặng, không đo được mạch và huyết áp thì phải cấp cứu tại chỗ. Thuốc điều trị có thể dùng một trong các thuốc sau: doxycyclin uống 1 liều duy nhất 300mg/người lớn; tetracyclin: người lớn 500mg/lần x 4 lần/ngày x 3 ngày. Trẻ em 12,5mg/kg x 4 lần/ngày x 3 ngày... Lưu ý: Không được dùng các thuốc chống tiêu chảy, chống nôn, chống co mạch, trợ tim, corticoid trong điều trị bệnh tả. Nên cho bệnh nhân ăn sớm các loại thức ăn lỏng, dễ tiêu. Trẻ sơ sinh phải sớm được bú mẹ.

Điều trị lỵ trực khuẩn cần kết hợp thuốc kháng khuẩn với chữa triệu chứng. Do trực khuẩn lỵ kháng nhiều loại thuốc đã dùng trước đây như tetracylin, cloramphenicol, sulphamid nên hiện nay phải sử dụng các thuốc chưa bị kháng, được khuyên dùng như: ampicilin, ciprofloxacin, ofloxacin... chống mất nước bằng uống oresol và truyền dịch.

Các phương pháp phòng bệnh

Thực hiện “ăn chín, uống sôi”, rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn uống, sau khi đi vệ sinh hoặc lao động; bảo quản tốt thực phẩm đã chế biến, chống ruồi, gián, bụi bặm; không ăn rau sống; không ăn tiết canh; không ăn mắm tôm, mắm tép sống; không ăn gỏi cá, hải sản sống; không ăn nem chạo, nem chua; không uống nước lã, nước đá mất vệ sinh. Nếu mưa bão kéo dài có thể hứng nước mưa để ăn uống. Nếu có điều kiện thì dùng nước đóng chai, đóng bình để ăn uống. Trường hợp bất khả kháng phải dùng nước bề mặt để ăn uống mà chưa có điều kiện ăn chín, uống sôi thì nên dùng kháng sinh sau khi ăn uống để phòng bệnh.

Theo Sức khỏe và đời sống
  • 63