Người cổ dùng cách gì xây dựng những công trình khổng lồ?

  •  
  • 5.692

Những công trình của nền văn minh cổ như vòng tròn đá Stonehenge và các kim tự tháp tồn tại đến ngày nay nhờ được xây dựng từ những tảng đá khổng lồ. 

Vào thời đó, làm thế nào người ta có thể hoàn chỉnh các công trình như vậy? Phải chăng người cổ đã sở hữu thuật thăng thiên, có thể đưa những vật thể nặng nề lên không mà không cần máy móc?

Edward Leedskalnin và lâu đài san hô do chính tay ông xây dựng.
Edward Leedskalnin và lâu đài san hô do chính tay ông xây dựng.

Đá xây dựng khổng lồ

Các kim tự tháp của Ai Cập được xây dựng như thế nào là chủ đề gây tranh cãi trong nhiều thiên niên kỷ. Thực tế không ai thực sự biết chính xác cách mà các công trình này được xây dựng.

Những ước định gần đây của khoa học hiên đại cho rằng phải cần đến một lực lượng lao động lên đến 4.000 - 5.000 người, mất khoảng thời gian 20 năm để xây dựng một kim tự tháp với các phương tiện như dây thừng, ròng rọc, thang, cộng với tài khéo léo của con người và sức lực của loài vật.

Không phải chỉ các kim tự tháp Ai Cập mới được xây dựng từ các khối đá khổng lồ. Trước đó khá lâu, những ngôi đền và lăng mộ khổng lồ khắp thế giới cũng hình thành từ các thành phần đá với kích thước không thể tin được:

  • Đền thờ thần Jupiter tại Baalbek, Lebanon với nền móng chịu đựng 3 khối đá lớn chưa từng thấy trong cấu trúc nhân tạo, mỗi khối ước nặng khoảng 1.000 tấn. Không siêu cần cẩu nào hiện nay có thể nhấc lên nổi, nhưng chúng được đặt cạnh nhau đúng vị trí chính xác đến nỗi ngay cả một cây kim cũng không thể len vừa giữa.

Cách lối vào phía Nam của Baalbek khoảng 900m là một mỏ đá, nơi đá được khai thác xây dựng đền thờ. Tuy nhiên, không có dấu vết nào về một con đường hay lối vận chuyển được tìm thấy giữa mỏ đá và ngôi đền. Tại mỏ đá còn sót lại một khối đá lớn hơn, nặng 1.650 tấn, kích thước 21,5m x 4,8m x 4,2m.

  • Được biết với tên Hajar el Hibla – hay còn gọi là Đá của phụ nữ mang thai – nó dường như bị loại bỏ, không được sử dụng trong xây dựng đền thờ. Đây là một tảng đá nguyên vẹn đã được xử lý lớn nhất chưa từng thấy. Với kĩ thuật ngày nay, phải cần 24 cần cẩu hạng nặng mới có thể nhấc nó lên nổi, nhưng di chuyển nó là điều không tưởng.
  • Trên một cao nguyên bị cô lập tại Tiahuanaco, Bolivia, cao gần 4.000m so với mực nước biển, là một công trình uy nghi có tên là Puerta del Sol hay “Cổng mặt trời”. Cổng được chạm khắc tỉ mỉ trên đá ước tính nặng đến 10 tấn. Làm thế nào nó được mang đến và đặt tại đây vẫn còn là một bí mật.
  • Nan Madol, còn được gọi là “Machu Pichu của Thái Bình Dương”, là một di tích kỳ vĩ trên đảo Pohnpei, thủ phủ của Liên bang Micronesia, xây dựng vào khoảng năm 200 trước Công nguyên, được làm từ hàng trăm khối đá dài chất, mỗi khối dài khoảng 5m, đường kính vài chục cm. Chúng được sắp xếp thành những bức tường cao 12m và dày 5m. Mỗi khối đá này nặng chừng 2,5 tấn.

Người xưa đã sở hữu phép thăng thiên?
Người xưa đã sở hữu phép thăng thiên?

Sở hữu phép thăng thiên?

Bí quyết mà các nền văn hóa đa dạng và cổ xưa này sở hữu để di chuyển, sắp xếp những khối đá khổng lồ này là gì? Họ có một lực lượng lao động hùng hậu sử dụng cơ bắp và sự khéo léo hết mức hay họ điều khiển các vật liệu khổng lồ này nhờ phép thăng thiên?

Trong quyển sách lịch sử dài 30 tập, nhà sử học Ả Rập, Abul Hasan Ali Al-Masudi sống vào thế kỷ thứ 10, đã ghi lại những thông tin thú vị. Ấn tượng bởi sự hùng vĩ của các kim tự tháp Ai Cập, ông đã viết về cách mà các khối đá lớn được vận chuyển để xây dựng công trình.

Theo ông, đầu tiên người ta đặt một loại “giấy cói ma thuật” dưới tảng đá muốn di chuyển, sau đó, dùng một thanh kim loại đập lên đá khiến nó bay lên và di chuyển dọc theo một lối đi được lát bằng đá, hai bên được chắn bởi các cột kim loại. Những hòn đá sẽ di chuyển một quãng chừng 50 mét, sau đó hạ xuống mặt đất, nơi các nhà xây dựng yêu cầu.

Khi Al-Masudi giải thích kỹ thuật này trong sách của ông thì các kim tự tháp đã tồn tại hàng nghìn năm. Do đó, nhiều người đặt vấn đề là ông lấy thông tin này từ đâu. Đó có phải là một phần của lịch sử truyền khẩu từ thế hệ này sang thế hệ khác ở Ai Cập? Có phải dùng thanh sắt đánh vào đá sẽ tạo ra các rung động âm thanh dẫn đến sự thăng thiên? Hay sự thăng thiên này là có sự cộng hưởng về mặt từ trường xung quanh?

Người khám phá phương pháp bí truyền?

Từ năm 1920, Edward Leedskalnin (sinh năm 1887), một người Mỹ gốc Latvia, bắt đầu xây dựng một cấu trúc đáng chú ý ở Homestead, Florida. Trong khoảng thời gian 20 năm, ông ta tự tay xây dựng một công trình mà ban đầu ông gọi là “Công viên Cổng Đá”, nhưng sau đó được đặt tên là “Lâu đài San hô”.

Làm việc trong bí mật, thường là vào ban đêm, Leeds Leedskalnin đã khai thác đá, tạo hình chúng rồi vận chuyển đến nơi xây dựng tòa nhà chính các công trình phụ.

Người ta ước tính có khoảng 1.000 tấn đá san hô được dùng trong việc xây dựng các bức tường và tháp, cộng thêm 100 tấn được khắc tạc thành các đồ nội thất và các vật thể mang tính nghệ thuật. Một số khối đá xây dựng nặng gấp đôi những khối lớn nhất ở Đại kim tự tháp Giza.

Tất cả đều do ông ta làm một mình và không có dấu hiệu sử dụng máy móc nặng nề nào. Không ai từng chứng kiến cách mà Leedskalnin có thể chuyển và nhấc lên những vật thể khổng lồ như vậy, mặc dù có lời đồn rằng một số thiếu niên theo dõi thấy ông ta “làm cho những khối đá san hô bay lơ lửng trên không như những khinh khí cầu hydrogen”.

Leddskalnin giữ bí mật tuyệt đối các phương pháp xây dựng của mình. Ông chỉ nói: “Tôi đã khám phá những bí mật của kim tự tháp, tìm ra cách mà những người Ai Cập, những nhà xây dựng cổ ở Peru, Yucatan và châu Á, chỉ với các công cụ thô sơ, di chuyển, nâng lên, đặt những khối đá nặng hàng tấn vào đúng vị trí”.

Điều đáng tiếc là nếu Leedskalnin thật sự phát hiện được những bí mật cổ xưa về thuật thăng thiên, di chuyển đồ vật lên không trong xây dựng, thì chúng cũng đã theo ông xuống đáy mồ. Ông qua đời năm 1951.

Cập nhật: 15/02/2020 Theo GDTĐ
  • 5.692