Con người cũng có khả năng lần theo dấu vết của các mùi trên một bãi cỏ giống như loài cẩu, và khả năng này sẽ được cải thiện rõ rệt qua quá trình tập luyện, các nhà khoa học Mỹ khẳng định.
Jess Porter, Noam Sobel cùng các nhà khoa học tại Đại học California, thành phố Berkeley (Mỹ) đổ dung dịch chocolate theo một đường dích dắc dài 10 m trên một bãi cỏ. Sau đó, họ yêu cầu 32 tình nguyện viên dùng mũi để lần theo đường này. Kết quả thật bất ngờ: Hai phần ba số tình nguyện viên đã phát hiện được đường đi của dung dịch chocolate.
Nhóm nghiên cứu chọn 4 tình nguyện viên rồi dạy họ cách đánh hơi trong hai tuần, mỗi tuần 3 ngày và mỗi ngày 3 lần. Sau khi được huấn luyện, 4 người này có thể xác định đường đi của dung dịch chocolate với độ chính xác gần gấp đôi so với trước.
Kết quả thử nghiệm giúp các nhà khoa học hiểu rõ hơn về hành vi ngửi của động vật có vú. Nhiều nhà sinh vật học cho rằng động vật có vú có thể xác định được hướng đi tới của mùi bằng cách so sánh mức đậm nhạt của mùi ở mỗi bên lỗ mũi, giống như cách xác định hướng tới của âm thanh bằng hai tai. Tuy nhiên, không ít chuyên gia sinh học phản đối giả thiết này.
So sánh đường đánh mùi sôcôla của người (phải) và của chó, gà (trái) xuyên qua cánh đồng (Ảnh: Newscientist) |
Nhiều loài, chẳng hạn như tôm hùm, xác định hướng tới của mùi bằng cách khua chiếc antenna mỗi khi ngửi thấy một mùi nào đó. Nhưng nhiều chuyên gia cho rằng hai lỗ mũi của động vật có vú quá gần nên không thể xác định chính xác hướng tới của mùi bằng cách phân biệt mức độ đậm nhạt của nó ở mỗi lỗ mũi.
Nhóm của Porter khẳng định, trên thực tế hai lỗ mũi lấy không khí từ hai khu vực riêng biệt, chứ không hề chồng lên nhau, trong không gian trước mặt. Các nhà nghiên cứu cho biết khả năng đánh hơi của các tình nguyện viên ở mức thấp nhất khi một lỗ mũi bị bịt và khi họ được đeo một thiết bị có chức năng như một lỗ mũi ảo. Thiết bị này trộn hai luồng không khí đi qua hai lỗ mũi thành một luồng duy nhất.
"Có vẻ như cơ chế xác định vị trí mùi giữa động vật, từ côn trùng cho tới con người, là giống nhau", Matthias Laska, chuyên gia nghiên cứu về cảm giác ở động vật tại Đại học Linköping (Thụy Điển), nhận định.
Khi được hỏi liệu con người có khả năng đánh hơi tốt như chó hay không, các nhà nghiên cứu cho rằng khó khăn lớn nhất đối với chúng ta là không thể di chuyển nhanh khi dí mũi sát đất. Họ dự định sẽ tìm hiểu xem liệu con người có thể lần theo dấu vết của mùi khi đứng thẳng hay không.
Việt Linh