Người đàn ông Mỹ 70 năm sống trong "lá phổi sắt" như thế nào?

  •  
  • 614

Ông Paul Alexander, người bị bại liệt năm lên 6, từ chối rời khỏi cỗ máy trợ thở, còn gọi là "lá phổi sắt", sau 7 thập kỷ vì đã quá quen với nó.

Ông Paul Alexander, đến từ bang Texas, mắc bệnh bại liệt năm 1952. Hồi tháng 3, Tổ chức Kỷ lục Guinness công nhận người đàn ông 77 tuổi này là bệnh nhân sống trong lá phổi sắt lâu nhất từ trước tới nay.

Theo NY Post, ông Alexander đã trải qua nhiều khó khăn, thử thách từ khi chào đời năm 1946. Ở tuổi lên 6, ông phải chịu đựng đợt bùng phát bệnh bại liệt tồi tệ nhất trong lịch sử nước Mỹ với gần 58.000 trường hợp, chủ yếu là trẻ em.

 Ông Paul Alexander được đặt biệt danh "Paul bại liệt".
Ông Paul Alexander được đặt biệt danh "Paul bại liệt". (Ảnh: Dallas Morning News)

Bệnh bại liệt tấn công các tế bào thần kinh vận động trong tủy sống, làm gián đoạn sự giao tiếp giữa hệ thần kinh trung ương và các cơ, cuối cùng khiến chúng quá yếu, làm cho một người không thể tự thở.

Năm 1955, một loại vaccine cứu sống được phê duyệt và sử dụng rộng rãi cho trẻ em trên khắp nước Mỹ. Đến 1979, Mỹ tuyên bố xóa sổ bệnh bại liệt, nhưng lúc này đã quá muộn với Alexander, người bị liệt từ cổ xuống.

Ngay sau khi được chẩn đoán mắc bệnh bại liệt, Alexander trải qua một cuộc phẫu thuật cắt khí quản khẩn cấp và được đặt vào một lá phổi sắt, còn gọi là máy thở, để giúp cơ thể ông chống lại căn bệnh chết người. Từ đó đến nay, ông dựa vào nó để sống sót.

Chiếc máy của Alexander được phát minh vào năm 1928 và không còn sản xuất từ cuối những năm 1960, khi công nghệ ngày càng phát triển.

Theo Medscape, lá phổi sắt là máy thở áp lực kín khí, bao phủ mọi thứ trừ phần đầu, khi nó hút oxy thông qua áp suất âm, buộc phổi giãn ra để bệnh nhân có thể thở được. Thiết bị này cồng kềnh, nặng khoảng 272kg và đòi hỏi người sử dụng phải được buộc chặt vào bên trong.

Bất chấp các phát minh máy móc hiện đại hơn, Alexander vẫn thích tiếp tục sống trong lá phổi sắt của mình.

Người đàn ông, hiện 77 tuổi, từng giải thích với Guardian năm 2020 rằng vào thời điểm những chiếc máy mới hơn được phát triển, ông đã quá quen với "con ngựa sắt cũ" của mình.

Ông Alexander được cho là đã từ chối tiến hành cắt một lỗ khác trên cổ họng để phù hợp với việc lắp các thiết bị trợ thở mới hơn. Ông cũng học cách thở ngắn bên ngoài lá phổi sắt. Được gọi là "thở ếch", kỹ thuật này sử dụng cơ cổ họng để đẩy không khí đi qua dây thanh âm, cho phép bệnh nhân nuốt từng ngụm oxy, đẩy nó xuống cổ họng và vào phổi.

Ngoài việc học cách tự thở trong thời gian ngắn, Alexander còn tiếp tục theo đuổi ước mơ sự nghiệp của mình và truyền cảm hứng cho người khác. Ông từng học xong trung học, tốt nghiệp đại học, lấy bằng luật, hành nghề luật trong vài thập kỷ và viết hồi ký. Suốt thời gian đó, ông đều sống trong lá phổi sắt của mình.

Trong một cuộc phỏng vấn video năm 2021, Alexander nói: "Tôi chưa bao giờ bỏ cuộc và sẽ không bỏ cuộc".

Khi tuổi càng lớn, Alexander càng phải nằm trong thiết bị này và cần được chăm sóc suốt ngày đêm tại một cơ sở ở thành phố Dallas.

"Ông ấy vẫn chiến đấu để duy trì lá phổi sắt của mình, chi trả cho việc chăm sóc sức khỏe và tìm nhà ở phù hợp nhu cầu của mình. Paul sống trong căn hộ nhỏ một phòng không có cửa sổ", một lời kêu gọi trên trang gây quỹ GoFundMe viết vào tháng 11/2022. "Cảm ơn các bạn vì dành sự quan tâm đến một người đàn ông đã giúp đỡ rất nhiều người trong suốt cuộc đời mình".

Cập nhật: 10/09/2023 Ngôi Sao
  • 614