Nhiều năm không được gặp lại ông, nhưng hình ảnh nhà vật lý nổi tiếng thế giới này vẫn in sâu trong ký ức người viết bài từ lần gặp đầu tiên, 45 năm trước, ở Viện Liên hiệp Nghiên cứu Hạt nhân (JINR) tại Đup na, nước Nga.
Một vầng trán rộng uyên bác, bộ lông mày rậm kiên nghị và quyết đoán, đôi mắt sắc sảo và nhạy bén, miệng cười hóm hỉnh và thân thiện.
Có thể nói, thần thái con người và đặc điểm trí tuệ nổi bật nói trên hội tụ trong ông, “tôn vinh” ông thêm trên những thang bậc vinh quang nhất trong lâu đài khoa học của nước Nga và nhân loại.
Thế giới khoa học ngày nay nhắc đến ông, trước hết, như là vị cha đẻ của trường phái khoa học Nga (hay Liên xô cũ) về các nguyên tố siêu uran hay siêu nặng, là người sáng lập Phòng Thí nghiệm Phản ứng Hạt nhân mang tên Flerov thuộc JINR (năm 1957).
Ở đây, dưới sự chỉ đạo của ông, người ta đã tổng hợp thành công hàng loạt nguyên tố siêu nặng mới chưa hề biết đến trước đây và chưa hề tìm thấy trong thế giới tự nhiên, như: Nobelium (với Z =102), Lawrencium (103), Rutherfordium (104), Dubnium (105), Seaborgium (106), Bohrium (107) và, đặc biệt, Flerovium (114).
Flerov Georgy Nikolaevich
Và như vậy, sau trường hợp duy nhất Seaborg, cha đẻ ngành khoa học nguyên tố siêu nặng Mỹ với nguyên tố Seaborgium (106), đến lượt một người còn sống tiếp theo là Flerov được khắc “tên vàng” trong ô thứ 114 của bảng tuần hoàn các nguyên tố hoá học, với tên hoá học Flerovium, theo quyết định mới nhất ngày 31 tháng 5 năm 2012 của Hiệp hội Hoá học Cơ bản và Ứng dụng Quốc tế IUPAC.
Từng có dịp tiếp xúc với Georgy Nikolaevich, nghe ông thuyết trình các dự án hay thành tựu nghiên cứu khoa học, tôi cảm nhận và có ấn tượng sâu sắc về tầm uyên bác, sự hiểu biết sâu rộng của ông không chỉ về vật lý hạt nhân, mà cả về hoá học nguyên tố siêu uran, về công nghệ máy gia tốc ion nặng…
Tố chất đó đã như điểm tựa cho nhà khoa học hạt nhân này đạt được các thành tựu khoa học nổi tiếng từ rất sớm, nhận được các bằng phát minh từ lúc mới là một nghiên cứu sinh trẻ ở Viện Vật lý Leningad.
Chính nhà vật lý trẻ tài năng Flerov, năm 1940, là 1 trong 2 tác giả của phát minh mang ý nghĩa lịch sử về một loại biến đổi phóng xạ mới, tức “Hiện tượng phân chia tự phát của hạt nhân uranium”, công bố chính thức trong 2 bài báo “Sự phân chia tự phát của uranium” và “Sự phân chia tự phát của thorium” trong Tạp chí “Các báo cáo của Viện Hàn lâm Khoa học LX”.
Tư duy nhạy bén bẩm sinh của G.N. Flerov bộc lộ từ trẻ, trong thời kỳ chiến tranh vệ quốc vĩ đại của nước Nga Xô viết. Nhiều người trong nhóm khoa học Việt Nam ở Viện Đup na những năm 1960, đã có dịp nghe ông tự kể lại sự việc đó trong tư cách 1 cựu chiến binh.
Năm 1942, cậu trung uý lái xe tăng Georgy Flerov được gửi ra mặt trận. Và chính từ mặt trận, ông đã gửi một bức thư về cho Đại nguyên soái Stalin, trong đó giải thích tại sao cần phải chế tạo bom nguyên tử, và chế tạo như thế nào.
Flerov đã đưa ra nhận xét rất nhạy bén để chứng minh rằng các chuyên gia phương tây đang bí mật nghiên cứu chế tạo loại vũ khí khủng khiếp này. Đó là sự im lặng bất ngờ, sự ngừng đột ngột việc công bố trên các tạp chí mọi kết quả nghiên cứu của họ.
Không biết bức thư trên tác động đến mức nào, nhưng ngay sau khi nhận báo cáo của các điệp viên từ Lon Don gửi về cho biết phương tây đã bắt đầu chế tạo bom, 1 quyết định của Liên xô lệnh chế tạo bom nguyên tử lập tức được đưa ra.
Vào những năm 60 của thế kỷ trước, việc săn tìm các nguyên tố siêu nặng ở Phòng Thí nghiệm Phản ứng Hạt nhân (Đúp na) tiến hành rất sôi nổi, đặc biệt với các nguyên tố 103, 104 và 105. Cũng thời kỳ đó, cuộc chiến tranh trên không ở miền Bắc Việt Nam, đặc biệt ở Hà Nội và Hải Phòng … diễn ra rất ác liệt với nhiều máy bay không lực Hoa Kỳ F105 bị bắn rơi.
Bấy giờ, chính G.N. Flerov đưa ra 1 ý tưởng vật lý độc đáo, cho rằng trong lớp vỏ trái đất, từ khi tạo thành có thể tồn tại các nguyên tố siêu nặng. Do thời gian sống rất dài cỡ hàng trăm, hàng ngàn hay hàng triệu năm, và do sự phân chia tự phát các nguyên tố quý hiếm này, nên các hạt nhân siêu nặng có thể để lại những dấu vết trong các mẫu đất đá xưa hoặc nằm ở đáy đại dương, đặc biệt trong các mẫu thuỷ tinh cổ vật.
Vậy là, chính Flerov đưa ra sáng kiến táo bạo, vận động càng nhiều người càng tốt tham gia tìm dấu vết của nguyên tố siêu nặng trong vật cổ bằng kính hiển vi. Và Chi đoàn Thanh niên của các cộng tác viên trẻ Việt Nam ở Viện Đúp na đã hưởng ứng, biến một số Ngày Thứ Bảy lao động XHCN thành ngày Thứ Bảy thi đua soi tìm các nguyên tố mới trong Phòng thí nghiệm của Flerov.
Mọi người đùa vui gọi cuôc thi đua tìm nguyên tố 105 là bắn máy bay F105! Tuy kết cục, không ai trong chi đoàn chúng tôi ngày đó “bắn” được “chiếc F105” nào. Đơn giản vì sự có mặt các nguyên tố siêu nặng trên vỏ Trái đất, nếu có thực, thì cũng vô cùng hiếm hoi, tìm chúng cũng tựa như mò kim đáy biển.
Dù vậy, đó cũng là trò giải trí có ý nghĩa, đặc biệt hơn là 1 kỷ niệm thú vị. Nó cho thấy, với 1 nhà khoa học chân chính, nhìn đâu trong môi trường cũng thấy “niềm yêu”, những “nguyên tố” tự nhiên làm đối tượng, hoặc chất xúc tác cho những cảm hứng nghiên cứu, sáng tạo vô cùng….
Sau sự kiện này chúng tôi càng hiểu thêm, bên cạnh 1 nhà vật lý nổi tiếng thế giới Flerov uyên bác và tài giỏi là một con người Nga, một Nikolai bình dị; vui tính và thân thiện với bạn bè quốc tế, đặc biệt với các nhà nghiên cứu trẻ từ đất nước Việt Nam đang có chiến tranh.