Người hùng ẩn dật phát minh hơn 40 loại vaccine cứu thế giới

  •  
  • 729

Tuổi thơ mồ côi và lớn lên trong Đại suy thoái không ngăn được sự cố gắng của Maurice Hilleman, "người hùng ẩn dật" của y khoa thế giới, cha đẻ của hơn 40 loại vaccine cứu người.

Maurice Hilleman được sinh ra trong hoàn cảnh khó khăn, em gái sinh đôi của ông qua đời khi vừa chào đời và mẹ ông cũng mất hai ngày sau đó. Là em út trong gia đình tám anh chị em, Hilleman lớn lên cùng với dì và chú của mình trong một trang trại ở ngoại ô vùng Miles City phía đông bang Montana, Mỹ.

Tại trang trại, ông học được cách nuôi gà - một kỹ năng mà ông tin là khiến mình đủ kiến thức về sinh sản ở gà nghiên cứu ngăn chặn dịch cúm gà ở Mỹ sau này. Vào thời điểm ông chuẩn bị tốt nghiệp trường trung học quận Custer vào năm 1937, Hillman có chân làm việc tại một cửa hàng tạp hóa J.C. Penne ở địa phương.

Với hệ quả cuộc Đại suy thoái kéo dài tới tận những năm 1940, có lẽ cuộc đời ông đã dừng lại sau cánh cửa hiệu tạp hóa nếu người anh trai của Hillman không thuyết phục gia đình tìm cách cho ông vào đại học. Nhờ nỗ lực vượt bậc, Hillman nhận được học bổng tại Đại học bang Montana, đứng đầu lớp và tiếp tục học về vi sinh tại Đại học Chicago.

Cống hiến cả đời vì khoa học

Hilleman là một ví dụ điển hình của sự cần cù chịu khó và những thành tựu đột phá, ngay cả khi hầu hết người Mỹ không biết tên ông. Sau nhiều thập kỷ làm việc trong ngành dược phẩm, ông đã phát triển hơn 40 loại vaccine, 9 trong số đó nằm trong 14 loại vaccine thiết yếu cho trẻ em - bao gồm sởi, quai bị, rubella, viêm gan A, viêm gan B và viêm màng não - giúp bảo vệ hàng triệu trẻ em trên thế giới khỏi những căn bệnh hiểm nghèo và gây tử vong sớm.

“Một thành tựu của ông ấy đã đủ cho cả cuộc đời một người”, Paul Offit, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm tại Bệnh viện Nhi đồng Philadelphia, người viết hồi ký về Hilleman, nói.

Một loại vaccine không bao giờ là đủ cho Hilleman. Vợ và các con gái của ông nhớ lại cách ông luôn mang một tờ giấy viết tay trong túi, một danh sách những căn bệnh ông vẫn muốn tìm cách chữa.

Hilleman là một ví dụ điển hình của sự cần cù chịu khó
Hilleman là một ví dụ điển hình của sự cần cù chịu khó và những thành tựu đột phá, ngay cả khi hầu hết người Mỹ không biết tên ông. (Ảnh: AP).

Anthony S. Fauci, giám đốc Viện Dị ứng và Bệnh truyền nhiễm Mỹ từng gặp Hilleman vào những năm 1980 khi đang nghiên cứu một loại vaccine phòng AIDS. Hilleman lúc này đã là một huyền thoại, cả trong cộng đồng khoa học lẫn ở đời tư với tác phong và cách nói năng táo bạo và đôi khi là cộc cằn. Hai người sau này có một tình bạn bền bỉ và là những đồng sự nghiên cứu khoa học ăn ý.

“Tôi nhớ vừa nghe tên anh ấy, và tôi nghĩ "Ôi chúa ơi, liệu bao giờ mới gặp được anh chàng này đây"”, ông Fauci nói trong một cuộc phỏng vấn. Cả hai vẫn thân thiết tới khi Hilleman qua đời vào năm 2005.

Còn giờ đây, ông Fauci đứng ở trung tâm sự chú ý khi cả thế giới đang săn lùng một giải pháp cho căn bệnh Covid-19 khiến hơn 5 triệu người nhiễm virus và giết chết ít nhất 338.000 người trên toàn cầu, trong đó có hơn 100.000 riêng tại Mỹ. Ông “lạc quan một cách thận trọng” với những tiến triển trong công cuộc tìm kiếm vaccine hiện tại; những thử nghiệm đầu tiên trên cơ thể người với vaccine được chính phủ hỗ trợ đã cho những kết quả khả quan, dù cũng khiến nhiều người hoài nghi.

Tuy nhiên, cần cân bằng giữa tốc độ nghiên cứu và sự an toàn của vaccine, một điều mà Hilleman luôn quan tâm, theo tiến sĩ Fauci. Với phong cách của mình, Hilleman sẽ là người sẵn sàng ”đối đầu” khi người ta mải tranh cãi chính trị để hoàn thành công việc một cách cẩn thận mà nhanh chóng.

Tư duy cứu người là trên hết - thứ nước Mỹ cần học từ Hilleman

Khả năng thu phục lòng người và nguồn lực của Hilleman là một yếu tố quan trọng vào thời điểm năm 1957, khi ông thuyết phục những nông dân chăn nuôi gà ở Mỹ không giết gà trống nhằm bảo vệ sức khỏe cộng đồng sau khi nhận được báo cáo từ Hong Kong báo hiệu sự xuất hiện của một dịch cúm. Nhờ sự hiểu biết rõ về chu kỳ sản xuất gà giống theo mùa do từng phụ việc ở trang trại, cùng tầm nhìn xa về nhu cầu trứng thụ tinh, ông đã giúp đảm bảo đất nước có đủ nguyên liệu để tiêm phòng đại trà với loại vaccine do ông phát triển.

So với Jonas Salk và Albert Sabin, hai nhà phát triển vaccine thành công nhất lịch sử, Hilleman lại không được nổi danh như họ. Theo tiến sĩ Fauci, có hai lý do. Thứ nhất, Hilleman không làm việc tại các học viện. Và thứ hai, quan trọng hơn, Hilleman không quan tâm đến tiếng tăm. Ông không được đề tên trên các bài báo khoa học; động lực duy nhất của ông là làm ra vaccine để cứu người.

Maurice Hilleman và hai con
Con gái một tuổi của Hilleman, Kirsten (ở giữa, cùng với chị gái Jeryl Lynn và bác sĩ Robert Weibel) đã trở thành người đầu tiên nhận được vaccine quai bị. (Ảnh: Getty Images).

Mặc dù dành cả sự nghiệp của mình ở bờ Đông, Hilleman không bao giờ ngừng nói về quê nhà. Có cả một chương trình hỗ trợ học thuật mang tên ông ở Đại học Montana (MSU) ông từng theo học, nhằm phát hiện và hỗ trợ những học sinh trung học ở Montana không có điều kiện học lên cao.

Chủ tịch MSU Waded Cruzado cho rằng câu chuyện của Hilleman - câu chuyện về một đứa trẻ nghèo có cơ hội vào đại học và cuối cùng đã cứu sống hàng triệu người - đã chứng tỏ sức mạnh của giáo dục.

"Khi chúng ta cho ông ấy cơ hội, ông ấy đã tận dụng nó và trở nhà nhiên cứu vaccine vĩ đại nhất lịch sử loài người”, bà Cruzado nói. “Tôi thường trằn trọc mỗi đêm và tự hỏi đang có bao nhiêu Maurice Hillemans nữa ngoài kia”.

Bà Lorraine Hilleman cho rằng chính tuổi thơ của chồng bà ở nông trại, cái chết của mẹ ông khi lâm bồn và ý thức sớm của ông về nỗi mất mát đã thúc đẩy ông cống hiến cho vaccine. Do thành phố Miles quê hương ông bị ảnh hưởng nặng nề trong đại dịch cúm năm 1918, và Hilleman đã lớn lên trong những câu chuyện về sự đấu tranh và nỗi đau của rất nhiều gia đình.

“Ông ấy có động lực lớn lao để ngăn chặn nỗi khổ đau của mọi người, và ông ấy không thể đứng nhìn người ta khốn khổ vì bệnh tật”, bà Lorraine Hilleman chia sẻ. “Vì lớn lên trong hoàn cảnh khắc nghiệt, ông ấy đã học được tính bền bỉ từ khi còn rất trẻ”.

Trong một bộ phim tài liệu năm 2016, Hilleman thể hiện sự trăn trở về những thành tựu cá nhân: “Nhìn lại một đời, bạn bỗng nói "Chúa ơi, tôi đã làm gì? Tôi đã làm đủ để xứng đáng với sự tồn tại của mình hay chưa?" và đó là nỗi lo lớn”.

Con gái lớn của ông, Jeryl Lynn Hilleman, người mà tên được đặt cho một chủng virus quai bị, ước gì có thể nói chuyện với bố mình trong những giây phút như lúc này.

“Ông ấy sẽ trả lời điện thoại, đọc, học, thu thập càng nhiều thông tin càng tốt, cùng lúc ấy cố hết sức mình, một động lực thúc đẩy những người khác cũng làm việc hiệu quả”, cô nói. “Ông ấy không lãng phí thời gian”.

Tiến sĩ Anthony S. Fauci, giám đốc Viện Dị ứng và Bệnh truyền nhiễm Mỹ
Tiến sĩ Anthony S. Fauci, giám đốc Viện Dị ứng và Bệnh truyền nhiễm Mỹ đứng ở trung tâm sự chú ý khi cả thế giới đang săn lùng một giải pháp cho căn bệnh COVID-19 giết chết ít nhất 338.000 người trên toàn cầu và chưa có vaccine. Nếu ở vị trí của ông, Hilleman sẽ là người sẵn sàng ”đối đầu” khi người ta mải tranh cãi chính trị để hoàn thành công việc một cách cẩn thận mà nhanh chóng. (Ảnh: Getty Images).

Trong những năm cuối đời, Hilleman đã gặp nhiều rắc rối trước làn sóng chống vaccine ở chính quê hương mình. Các hội nhóm chống đối sử dụng vaccine nhắm với những lời lẽ nhục mạ và đe dọa tính mạng, cả hai đều là những thách thức mới chỉ đang đe dọa sức khỏe cộng đồng từ thập kỷ trước.

Giữa bối cảnh đại dịch hiện nay, nhiều người lo ngại có sự giao thoa giữa làn sóng chống vaccine và những cuộc biểu tình ở một số bang các lệnh cách ly xã hội và nhiều biện pháp phòng bệnh khác.

Tiến sĩ Fauci từng nói câu trả lời duy nhất là theo đuổi khoa học chân chính và tìm giải pháp từ đó. Gia đình Hilleman cũng tin rằng nếu còn sống, ông cũng sẽ làm như vậy.

“Ông ấy đã hoàn thành công việc của mình, và những gì ông ấy sẽ còn tiếp tục sau khi ông ấy qua đời”.

Cập nhật: 29/05/2020 Theo Zing
  • 729