Bí ẩn về thi hài nữ mặc long bào với những vết máu kỳ lạ trên đùi đến nay vẫn chưa có lời giải đáp

  •   4,79
  • 14.089

Các nhà khảo cổ học Trung Quốc từng gây chấn động khi tìm thấy một ngôi mộ cổ bên trong có một thi hài nữ còn nguyên vẹn, da thậm chí vẫn đàn hồi như người sống. Điều gây sốc hơn nữa là thi hài nữ này còn mặc một chiếc áo long bào đính hàng nghìn viên ngọc trai chứng tỏ thân thế nữ chủ nhân mộ cổ vô cùng cao quý.

Năm 1972, một nhà khảo cổ học đã tìm ra một ngôi mộ cổ ở vùng Nội Mông. Trong quá trình khai quật ngôi mộ cổ này, các chuyên gia đã phát hiện một thi hài của nữ, trên người vẫn đang khoác một chiếc long bào. Nhưng điều đặc biệt hơn là trên đùi của thi hài này vẫn còn nguyên một vài vết máu kỳ lạ.

Khu mộ cổ rộng khoảng 45 mét và dài 105 mét với diện tích trên dưới 5000 mét vuông. Phía nam của ngôi mộ có một cổng lớn, phía bắc dựng một tấm bia đá hình vuông với kích thước 15x15 mét. Không gian phía tây là nơi đặt các vật cúng tế. Ngoài ra trong ngôi mộ còn rất nhiều gian phòng, thiết kế cực kỳ phức tạp. Ngôi mộ này chứa rất nhiều di tích văn hóa quý giá, có giá trị sưu tập và nghiên cứu lịch sử rất lớn.

Khi mở chiếc quan tài trong mộ cổ, các chuyên gia khá bất ngờ khi bên trong là một thi hài nữ gần như còn nguyên vẹn, lớp da vẫn giữ được tính đàn hồi như người còn sống. Dựa vào thi hài, họ suy đoán đây là một người phụ nữ cao 1m5 hoặc 1m6, tóc đen và dài 75cm, có thể thấy người này khi còn sống chắc chắn là một người có dáng vẻ ưa nhìn. Ngoài ra, trên tay chủ nhân ngôi mộ còn đeo một chiếc vòng vàng, một chiếc nhẫn vàng. Chân của bà đi một đôi giày thêu màu đỏ.

Phần đầu thi hài hướng về phía nam, chân hướng về phía bắc, đầu đội phượng quan (mũ có hình chim phượng của hoàng hậu và các phi tần thời xưa) bằng vàng. Trên tay người này cũng mang nhẫn vàng, chân đi giày thêu màu đỏ. Cơ thể khoác nhiều lớp trang phục, ngoài cùng là long bào đính đầy ngọc trai. Chính chiếc long bào này đã gây sốc cho nhiều người, bởi theo hiểu biết lịch sử, trước đây chưa từng tìm thấy thi hài nữ nào mặc long bào.


Long bào được khoác lên thi hài nữ.

Như chúng ta đã biết, long bào chỉ dành riêng cho các hoàng đế cổ đại, tượng trưng cho sự uy nghiêm và quyền lực của người đứng đầu đất nước. Bất cứ ai dám khoác lên mình tấm áo này khi chưa được phép nếu bị phát hiện sẽ gặp đại họa, thậm chí bị chu di cửu tộc.

Vào thời kỳ nhà Thanh không hề có nữ hoàng đế, chỉ có duy nhất Từ Hi Thái Hậu buông rèm theo dõi chính sự. Trước đó chỉ có Võ Tắc Thiên là nữ hoàng đế duy nhất trong lịch sử Trung Quốc. Điều này khiến các chuyên gia thắc mắc về danh tính của thi hài nữ kia, liệu có nữ hoàng đế nào khác trong lịch sử nhưng không được ghi nhận trong sổ sách hay không.

Lần theo những dấu vết trong ngôi mộ cổ cùng những thông tin đã khám phá được từ trước, các nhà khảo cổ đã nhanh chóng xác định được danh tính của thi hài nữ kia. Bà là con gái thứ 4 của Hoàng đế Khang Hi thời đại nhà Thanh: Vinh Hiến Công Chúa. Mẹ ruột của bà là Vinh phi Mã Giai thị, một trong những phi tần đầu tiên của Hoàng đế Khang Hi.

Vinh phi Mã Giai thị từ khi nhập cung đã được Hoàng đế Khang Hi sủng ái và sinh được 3 con trai và 3 con gái. Nhưng không may, hai trong số 3 người con gái đã chết khi còn rất trẻ, Vinh Hiến Công Chúa là người duy nhất còn sống, được vua cha nhất mực yêu thương. Đến khi trưởng thành, Vinh Hiến Công Chúa được phong Hòa Thạc Vinh Hiến Công Chúa; sau đó thành thân với Ô Nhĩ Cổn (con trai của Ba Lâm Quận vương Ngạc Tề Nhĩ).

Vinh Hiến Công Chúa mất lúc 56 tuổi, cả đời sống trong hạnh phúc. Lúc bà mất cũng là lúc Hoàng đế ban thưởng, phần thưởng đó là một chiếc long bào. Vinh Hiến Công Chúa là người đầu tiên trong lịch sử được ban thưởng long bào, điều này đủ chứng minh rằng địa vị của bà rất cao quý.

Thi hài trong ngôi mộ cổ là con gái thứ 4 của Hoàng đế Khang Hi thời đại nhà Thanh: Vinh Hiến Công Chúa.
Thi hài trong ngôi mộ cổ là con gái thứ 4 của Hoàng đế Khang Hi thời đại nhà Thanh: Vinh Hiến Công Chúa. (Ảnh minh họa).

Tuy nhiên, sau khi tháo lớp long bào trên thi hài ra, các nhà khảo cổ lại phát hiện dấu vết kỳ lạ khác, đó là một vài vết máu trên phần đùi. Thân phận của Vinh Hiến Công Chúa thật sự rất đặc biệt, không thể bị kẻ khác lăng nhục.

Chính vì thế mà có người suy đoán rằng, đây có thể là máu kinh nguyệt. Người quá cố đã không được "rút" hết máu kinh trong người trước khi chôn. Nhưng quan điểm này ngay lập tức đã bị từ chối bởi vì lúc qua đời, Vinh Hiến Công Chúa đã 56 tuổi thì làm sao có thể còn chu kỳ sinh lý như những người trẻ tuổi.

Rất nhiều giả thuyết được đưa ra nhưng các chuyên gia đều liên tục phản bác. Đến hiện tại,  những vết máu trên xác của Vinh Hiến Công Chúa vẫn là những bí mật không có lời giải đáp.

Cập nhật: 28/09/2021 Theo Tổ Quốc/Tiền Phong
  • 4,79
  • 14.089