Sau khi giải cứu chú chim. Khi tìm hiểu, anh Quy được biết đây là loài chim cổ rắn quý hiếm nên đã gọi điện thông báo đến Thảo Cầm Viên để đưa chú chim này về chăm sóc.
Ngày 28/6, anh Hà Quốc Quy (cư ngụ tại khu vực Thanh Đa, quận Bình Thạnh, TP HCM) đã đăng tải một Video lên kênh “Thú Vui Dân Dã” của mình trên mạng Youtube để chia sẻ về thông tin bắt được một con chim cổ rắn quý hiếm.
Cụ thể, trong Video này, anh Quy cho biết, mấy hôm nay khi anh đi thăm dớn (một dụng cụ để bắt thủy sản) ở khu vực đồng nước gần nhà thì phát hiện một con vật gì đó nhảy từ lùm cây bình bát xuống mặt nước tạo ra tiếng động rất lớn.
Anh Quy chỉ nơi nơi phát hiện con chim mỏ rắn. (Ảnh chụp từ Video do anh Quy chia sẻ).
Nghĩ rằng bên trong có con chim gì rất lớn đang làm tổ trong lùm cây, anh Quy tìm kiếm nhưng không phát hiện tổ chim đâu. Dù vậy, mỗi lúc buổi sáng anh ra khu vực này thì đều nghe tiếng con vật nhảy từ lùm cây xuống nước và lặn biệt tăm.
Thấy vậy, anh Quy đã cho giăng lưới xuống mặt nước ở lùm cây con vật hay xuất hiện. Sau đó, anh Quy cùng một người em tìm cách đuổi để con chim lao vào tấm lưới đã giăng sẵn dưới mặt nước. Sau ít phút, chú chim đã mắc vào bẫy lưới đã được giăng sẵn.
Lúc này, anh Quy tiến đến gỡ lưới cho con chim thì phát hiện phần mỏ của nó đã bị dính chặt lại bởi một dị vật lạ. “Nó nuốt cái vật này vô nhưng mỏ như có răng cưa nên mắc kẹt lại và nhả ra không được rồi bị mắc cái này nên phải mang đi nên không bay được, cũng không ăn được nên bị kẹt ở đây” – Anh Hà Quốc Quy nhận định trong đoạn Video.
Con chim với phần dị vật bị mắc ở mỏ. (Ảnh chụp từ Video do anh Quy chia sẻ).
Ngay sau khi mang được con chim lên bờ, anh Quy và một số người trong gia đình đã “giải cứu” chú chim khỏi dị vật và mang tép đến cho chim ăn. Ban đầu, anh Quy cũng chưa thể xác định đây là loài chim nào. Sau khi lên mạng tra cứu và tìm hiểu, anh phát hiện đây chính là chim cổ rắn quý hiếm nên ngay sau đó, anh Quy đã gọi điện thoại liên hệ với Thảo Cầm Viên để đưa chú chim này về chăm sóc và bảo tồn.
“Con chim có cân nặng khoảng 1kg. Cũng may là mình bắt được và phát hiện nó bị mắc kẹt bởi vật đó. Nếu để như vậy thêm vài ngày nó sẽ chết vì không thể ăn được vì mỏ đã bị khóa chặt. Một phần cánh của nó cũng đã bị thương. Ở tỉnh Hậu Giang, từng có người bắt được chim này và giao cho vườn thú chăm sóc” – Anh Quy chia sẻ thông tin trên đoạn Video.
Phần dị vật bị kẹt ở mỏ khiến chú chim không bay được, cũng không ăn được. (Ảnh chụp từ Video do anh Quy chia sẻ)
Cận cảnh chim cổ rắn quý hiếm. (Ảnh chụp từ Video do anh Quy chia sẻ).
Chân chú chim có màng bơi giống như chân vịt. (Ảnh chụp từ Video do anh Quy chia sẻ).
Ngay sau giải cứu chú chim khỏi di vật bị mắc kẹt ở mỏ, anh Quy đã cho chim ăn và gọi điện thông báo đến Thảo Cầm Viên. (Ảnh chụp từ video do anh Quy chia sẻ).
Trước đó, theo tìm hiểu của PV, vào khoảng tháng 11/2016, anh Nguyễn Duy Khanh ở ấp Phú Trí B1, xã Phú Hữu, huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang cũng phát hiện một con chim lạ có hình dạng giống chim cổ rắn đang kiếm mồi tại vườn nhà.
Hơn hai giờ rượt đuổi, anh Khanh bắt được con chim lạ này. Theo khảo sát của Cục Kiểm lâm, đây có thể là chim cổ rắn, là loài quý hiếm đang có nguy cơ tuyệt chủng. Chim có cổ dài, nặng trên 1kg. Sau đó, con chim này đã được bàn giao cho Chi cục Kiểm lâm Hậu Giang chăm sóc và nuôi dưỡng.
Phân bố của chim mỏ rắn trên thế giới. (Ảnh: Bách khoa toàn thư mở Wikipedia).
Chim cổ rắn“Chim cổ rắn là các loài chim trong họ Anhingidae, bộ Chim điên (trước đây xếp trong bộ Bồ nông). Hiện nay còn tồn tại tổng cộng 4 loài trong một chi duy nhất, một trong số đó hiện đang ở tình trạng gần bị đe dọa tuyệt chủng. Chúng được gọi là chim cổ rắn là do chúng có cổ dài và mảnh dẻ, tạo ra bề ngoài tương tự như những con rắn khi chúng bơi với phần thân chìm dưới mặt nước. Chim cổ rắn là các loài chim lớn. Con trống có bộ lông màu đen hay nâu sẫm, mào mọc thẳng đứng trên đầu và mỏ lớn hơn của con mái. Chim mái có bộ lông nhạt màu hơn, đặc biệt là trên cổ và các phần dưới. Cả chim trống và chim mái có các chấm màu xám trên các lông vai dài và các lông vũ của mặt trên các cánh. Mỏ nhọn có các gờ răng cưa. Các chân chim cổ rắn có màng bơi, ngắn và ở gần phần cuối của thân. Họ chim này có quan hệ họ hàng rất gần với các họ khác trong bộ Bồ nông (Pelecaniformes). Hiện nay, nói chung người ta công nhận có 4 loài còn sinh tồn trong cùng một chi với danh pháp khoa học Anhinga. Các loài còn sinh tồn gồm: Anhinga anhinga: Chim cổ rắn châu Mỹ; Anhinga melanogaster: Điên điển phương Đông, chim cổ rắn phương đông; Anhinga rufa: Chim cổ rắn châu Phi và Anhinga novaehollandiae: Chim cổ rắn Úc. Chim cổ rắn phương Đông (bao gồm chim cổ rắn ở Việt Nam) là loài cận mức nguy hiểm. Sự phá hủy môi trường sinh sống cùng với các sự can thiệp khác của con người là những nguyên nhân chính làm cho số lượng của loài này bị suy giảm”. Để bảo vệ loài chim cổ rắn, các nhà khoa học đã đưa chúng vào danh sách những loài động vật quý hiếm cần được bảo vệ của tổ chức Bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN). |