Nguy cơ xuất hiện bệnh truyền nhiễm mới nổi nếu tiếp tục xâm hại động vật hoang dã

  •  
  • 85

Nghiên cứu gần đây nhất của tổ chức WCS cho biết, kết quả thu thập các mẫu bệnh phẩm của động vật hoang dã từ các trang trại, chợ, nhà hàng, từ các sản phẩm buôn bán trái phép đã phát hiện nhiều virus truyền nhiễm mới với 5 virus corona, 2 virus herpes (bệnh thủy đậu, mụn rộp, zona) và 14 virus Rhabdo (gây bệnh dại). Xâm hại động vật hoang dã đưa vào tiêu thụ có thể sẽ làm con người phải đối mặt với nhiều dịch bệnh truyền nhiễm.

Một nghiên cứu mới thực hiện bởi các nhà khoa học của Tổ chức Wildlife Conservation Society (WCS) đăng tải trên tạp chí Frontiers in Public Health năm 2022 đã đưa ra kết luận rằng trên các cá thể tê tê tịch thu được từ những vụ buôn bán trái pháp luật động vật hoang dã tại Việt Nam có xuất hiện virus corona có mối liên hệ với chủng virus SARS-CoV-2.

Xâm hại động vật hoang dã có thể sẽ làm con người phải đối mặt với nhiều dịch bệnh mới
Xâm hại động vật hoang dã có thể sẽ làm con người phải đối mặt với nhiều dịch bệnh truyền nhiễm. (Ảnh minh họa).

Nghiên cứu được các tác giả thực hiện trên 246 cá thể tê tê thu được từ các vụ bắt giữ tại Việt Nam trong khoảng thời gian từ năm 2016 đến năm 2018. Các mẫu sinh phẩm thu được từ bảy cá thể tê tê vào năm 2018 cho kết quả dương tính với chủng virus corona có liên quan tới chủng virus SARS-CoV-2.

Chị Nguyễn Thị Thanh Nga, Tổ chức WCS, chương trình Việt Nam - tác giả nghiên cứu đề tài nhận định, kết quả thu được là những bằng chứng củng cố cho việc khẳng định buôn bán động vật hoang dã xuyên quốc gia có thể làm lây lan, phát tán virus corona và các virus truyền lây khác trong chuỗi buôn bán.

Theo tổ chức WCS, từ năm 2018 đến tháng 9/2023, Việt Nam có hơn 1.000 vụ bắt giữ động vật hoang dã (khoảng 114 loài động vật hoang dã), trong đó có hơn 21 nghìn cá thể, bộ phận, sản phẩm động vật hoang dã; 110,1 tấn bộ phận, sản phẩm động vật hoang dã.

Các loài bị xâm hại phổ biến là rắn hổ mang chúa, tê tê java, hổ, gấu ngựa, cầy hương. Hành vi vi phạm phổ biến là buôn bán (42%), vận chuyển (37%), tàng trữ (16%), nuôi nhốt (7%), săn bắt giết (7%), nhập khẩu (2%), quảng cáo (1%) và có (7%) không biết hành vi vi phạm cụ thể là gì.

Các chuyên gia của tổ chức này đã phát hiện các mầm bệnh lây truyền giữa người và động vật trong chuỗi cung ứng động vật hoang dã. Theo đó, có 157 mầm bệnh lây truyền giữa người và động vật, trong đó có 116 mầm bệnh phát hiện trên động vật hoang dã, 54 mầm bệnh phát hiện trên động vật nuôi.

Sau 10 năm nghiên cứu đánh giá các loài nguy cơ cao như linh trưởng, dơi, động vật gặm nhấm, động vật ăn thịt, các nhà nghiên cứu của tổ chức đã tiến hành xét nghiệm tập trung vào tác nhân gây bệnh có khả năng lây truyền giữa người và động vật: Corona virus (gây bệnh điển hình như SARS, Hội chứng hô hấp Mers, Covid-19) cho thấy có 5 virus mới, 9 virus đã biết chủ yếu ở khu vực trang trại, chợ, thu phân dơi, nhà hàng, buôn bán.

Đặc biệt, nhóm nghiên cứu phát hiện virus có nguồn gốc từ dơi ở mẫu phân và mẫu môi trường của động vật gặm nhấm nuôi tại trang trại động vật hoang dã.

Ngoài ra, nhóm nghiên cứu đề tài cũng phát hiện 2 virus herpes (bệnh thủy đậu, mụn rộp, zona) mới và 14 virus Rhabdo (gây bệnh dại) mới.

Một nghiên cứu khác của WCS cho thấy, có tỷ lệ lớn virus corona trên mẫu thu thập từ các loài động vật hoang dã được buôn bán làm thực phẩm cho con người, và tỷ lệ dương tính với virus corona cũng tăng lên đáng kể khi các loài động vật hoang dã được vận chuyển từ tay các thương lái tới các khu chợ và sau cùng là chuyển tới các nhà hàng.

Các tang vật thu được từ vụ vận chuyển trái phép các sản phẩm từ động vật hoang dã.
Các tang vật thu được từ vụ vận chuyển trái phép các sản phẩm từ động vật hoang dã.

Tỷ lệ dương tính với virus corona khá cao trên chuột đồng được chế biến làm thực phẩm cho con người. Tỷ lệ dương tính tăng lên một cách đáng kể dọc theo chuỗi cung ứng từ thương lái (21%), tới các khu chợ (32%) và nhà hàng (56%). Tại 2/3 số trang trại động vật hoang dã và 6% số động vật gặm nhấm được nuôi ở trang trại ở các điểm tham gia vào nghiên cứu cũng cho kết quả virus corona dương tính.

Trên mẫu phân của loài gặm nhấm tại các trang trại gây nuôi động vật hoang dã cũng cho thấy có chung loại virus corona như trên dơi và chim, điều này cho thấy có sự chia sẻ về cả môi trường sống và/hoặc lây lan virus giữa các loài. Từ mẫu của các loài động vật gặm nhấm được lấy từ môi trường sống "tự nhiên" cho kết quả virus corona ở khoảng 0-2%.

“Hoạt động buôn bán động vật hoang dã đang góp phần đưa con người tiếp xúc gần hơn với nhiều loài hoang dã có khả năng phát tán virus corona. Điều này dẫn tới nguy cơ lây truyền virus trong loài và giữa các loài với nhau và làm tăng khả năng kết hợp của các chủng virus corona với nhau. Chuỗi cung ứng động vật hoang dã từ trang trại và tự nhiên tới nhà hàng tạo ra vô số cơ hội dẫn tới bùng phát dịch bệnh”, tổ chức WCS khuyến cáo.

Do đó, chỉ có hạn chế hoạt động giết mổ, gây nuôi thương mại, vận chuyển, mua bán, tàng trữ, chế biến và tiêu thụ động vật hoang dã mới ngăn chặn nguy cơ xuất hiện dịch bệnh truyền nhiễm mới.

Bà Hoàng Bích Thủy, Giám đốc Chương trình WCS Việt Nam chia sẻ, để ngăn ngừa các đại dịch có thể xảy ra trong tương lai chỉ bằng cách giảm thiểu các nguy cơ lây truyền dịch bệnh từ động vật sang người tại các mắt xích chính trong chuỗi cung ứng động vật hoang dã. Các biện pháp can thiệp nếu muốn thành công phải hướng tới mục tiêu là làm giảm thiểu đáng kể số lượng và mức độ đa dạng của các loài động vật bị buôn bán, cũng như số người tham gia vào hoạt động buôn bán động vật hoang dã.

Cập nhật: 09/10/2023 Nhân Dân
  • 85