Nguyễn Ngọc Hùng và chiếc “máy... dạy học”

  •  
  • 404

Không phải mỏi chân đứng lớp và giảng khan cả cổ mà người thầy vẫn có thể hướng dẫn lý thuyết lẫn thực hành cho một lớp vi tính 40 học viên những phần hoàn toàn khác hẳn nhau... Đó là nhờ chiếc “máy... dạy học” của Nguyễn Ngọc Hùng (thị xã Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng).

Hùng từng tốt nghiệp sư phạm toán khóa 5, Trường đại học Cần Thơ và từng làm giảng viên của Trường đại học tại chức Hậu Giang khi tuổi đời còn rất trẻ. Năm 1990, Hùng được trường cho lên Trường đại học Kinh tế TP.HCM học lớp thảo chương viên.

Nguyễn Ngọc Hùng đang trực bên cạnh “máy dạy học” để trả lời thắc mắc cho học viên
Nguyễn Ngọc Hùng đang trực bên cạnh “máy dạy học” để trả lời thắc mắc cho học viên (Ảnh: TTO)

Đó là những ngày Hùng được “vọc” chiếc máy vi tính. Năm 1994, Hùng chế tạo thành công máy phân loại lông vũ và chiếc tăngphô điện tử giúp ánh sáng trong bóng đèn huỳnh quang không bị “nhảy disco” khi điện yếu.

Hùng nhớ lại: “Tôi mất ăn mất ngủ để chế tạo máy phân loại lông vũ nhưng tiền công chỉ có 30.000 đồng. Riêng chiếc tăngphô điện tử thì đối tác trả bằng... một chỉ rưỡi vàng”.

Sau khi thất bại với một vài dự tính, Hùng nghỉ dạy. Năm 1996, Hùng mở cơ sở sửa chữa điện tử, vi tính sống qua ngày. Lúc này ở Sóc Trăng, những người giỏi về máy vi tính chỉ đếm được trên đầu ngón tay nên Hùng bắt đầu nghĩ đến chuyện quay lại với nghiệp làm thầy bằng cách dạy vi tính theo kiểu... “gia sư”.

Được sự hỗ trợ vốn của bạn bè, Hùng mở cơ sở giảng dạy vi tính trên đường Lê Hồng Phong, thị xã Sóc Trăng. Công việc hằng ngày của anh luôn đầu tắt mặt tối từ sáng sớm cho đến gần nửa đêm. “Chính vì vậy mà tôi nghĩ phải chế tạo cho mình một chiếc máy dạy học” - Hùng thổ lộ.

Lớp học vi tính dạy bằng mô hình ASIS thông qua “máy dạy học” của Nguyễn Ngọc Hùng
Lớp học vi tính dạy bằng mô hình ASIS thông qua “máy dạy học”
của Nguyễn Ngọc Hùng

Với ý tưởng đó, Hùng lao vào nghiên cứu tài liệu và tham khảo các phần mềm nhằm xây dựng một hệ thống phục vụ giảng dạy.

Giải pháp anh đưa ra là kết hợp phần cứng tự chế tạo và phần mềm với mục đích truyền tải hình ảnh, âm thanh, điều khiển máy tính học viên từ xa, có thể trao đổi thông tin giữa giáo viên và học viên.

Trong hai năm vừa dạy vừa nghiên cứu, cuối cùng Hùng đã đưa ra được một mô hình học tập tương tác tự động ASIS (Auto Study Interactive System). Thế là anh không ngần ngại bắt tay vào “chế tạo” một chiếc “máy dạy học” với tổng vốn đầu tư gần 200 triệu đồng.

Hùng cho biết: “Nhờ vào hệ thống âm thanh hai chiều, khi có thắc mắc học viên chỉ cần ấn nút thì đèn tín hiệu ở bộ phận điều khiển sẽ nhấp nháy, và thông qua máy chủ, giáo viên sẽ kết nối để trao đổi, hướng dẫn học viên bên ngoài”.

Theo mô hình này, những bài giảng của Hùng đã được lập trình sẵn trong máy. Học viên có thể vào cơ sở của anh để học bất cứ lúc nào. “Chỉ cần mở máy ra, học viên có thể vừa nghe lý thuyết vừa vận dụng giải bài tập. Đoạn nào không hiểu có thể trả băng lại nghe giảng tiếp nhiều lần, và nếu cần thì trao đổi trực tuyến với giáo viên ngồi bên trong” - Hùng giải thích.

Ngoài việc dạy tin học, Hùng đã dùng chiếc máy dạy học này để dạy Anh văn cho hàng trăm bạn trẻ và đã gặt hái được nhiều thành công bước đầu.

NGỌC DIỆN

Theo Tuổi trẻ
  • 404