Giáo sư - Tiến sĩ người Nga Leonid Averyanov là người đã góp phần tìm ra ba chi mới thuộc các họ Orchidaceae và Araliaceae và phát hiện thêm 51 loài mới (49 loài lan), trong đó có 10 loài đặc hữu của Việt Nam.
Suốt 20 năm nghiên cứu về thực vật ở Việt Nam, nhiều khu rừng của Việt Nam đã in dấu chân ông như Liêm Thủy (Na Rì, Bắc Cạn); Pà Cò (Mai Châu, Hòa Bình); khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông, Cổ Lũng (Bá Thước, Thanh Hóa); khu bảo tồn thiên nhiên Pù Huống (Con Cuông, Nghệ An); vườn quốc gia Cúc Phương (Ninh Bình), vườn quốc gia Núi Chúa (Ninh Thuận), Kon Plong (Kontum), khu bảo tồn thiên nhiên Bát Đại Sơn (Quản Bạ, Hà Giang).
Nhiều năm gắn bó, say mê tìm hiểu nghiên cứu hệ thực vật ở Việt Nam, ông từng bị sốt rét cấp tính và có lần suýt bỏ mạng ở rừng Khánh Vĩnh (Khánh Hòa). Lần đó ông và nhóm các nhà khoa học Việt Nam đi tìm cây lan hài hồng. Khi mới chỉ tìm được lá của loài cây này, ông đã bị sốt rét suốt 3 ngày đêm và bất tỉnh. Ông phải quay trở về Nga nhưng chỉ sáu tháng sau ông lại trở lại đúng “cánh rừng sốt rét” đó để tìm cho kỳ được lan hài hồng và ông đã thành công.
Theo Giáo sư - Tiến sĩ Phan Kế Lộc, nhà sinh học của Viện Sinh học nhiệt đới Việt Nam, Leonid là người am hiểu về lan Việt Nam giỏi nhất trên thế giới.
Giáo sư, Tiến sĩ Leonid được đánh giá là một trong năm chuyên gia hàng đầu về thực vật. Ông đã có trên 200 công trình khoa học, xuất bản nhiều sách, trong đó có cuốn viết về lan hài Việt Nam và thông Việt Nam. Hai cuốn sách này được xuất bản bằng tiếng Anh và tiếng Việt.
TTXVN