Nhà khoa học phát hiện virus Ebola

  •  
  • 1.382

Gần 40 năm trước, nhà khoa học trẻ người Bỉ bắt đầu hành trình nghiên cứu ở khu vực hẻo lánh của Congo, với nhiệm vụ tìm hiểu nguyên nhân khiến nhiều người dân tử vong vì một căn bệnh nguy hiểm nhưng chưa từng được biết đến.

Tháng 9/1976, một gói hàng chứa một bình thủy tinh màu xanh và bóng được gửi đến Viện Y học Nhiệt đới ở Antwerp, Bỉ. Peter Piot, 27 tuổi, đang làm việc cho phòng thí nghiệm với vai trò là sinh viên y khoa và được huấn luyện để trở thành một nhà vi sinh học.

"Nó chỉ là một chiếc bình thông thường như bất kỳ cái nào khác mà bạn sử dụng để giữ ấm coffee", Piot nhớ lại. Tuy nhiên, nó không chứa coffee ở bên trong mà là một thứ khác. Nén chặt giữa một vài khối băng tan chảy là vài lọ máu nhỏ kèm theo lời nhắn rằng đây mà mẫu máu của một nữ tu, mắc một căn bệnh lạ chưa thể xác định. Bưu phẩm đươc gửi đến từ một bác sĩ người Bỉ, sống và làm việc tại Zaire, về sau là Cộng hòa Dân chủ Congo ngày nay.

"Khi mở chiếc bình, chúng tôi nhìn thấy một trong các lọ máu đã bị vỡ, máu lẫn với nước từ các khối băng tan chảy" Piot kể lại. Ông và đồng nghiệp đều không hề hay biết rằng điều đó nguy hiểm như thế nào.

Nhà khoa học phát hiện virus Ebola
Peter Piot (phải) tại phòng thí nghiệm của Viện Y học Nhiệt đới ở Antwerp, Bỉ, năm 1976. (Ảnh: BBC)

Các mẫu máu được nghiên cứu nhiều lần trong phòng thí nghiệm. Khi quan sát một số tế bào dưới kính hiển vi điện tử, họ phát hiện một dạng cấu trúc như hình sâu và có kích thước khổng lồ, lớn hơn nhiều so với tiêu chuẩn của các loại virus thông thường.

Theo nhóm nghiên cứu, chỉ có một loại virus nhìn giống thế này đó là virus Marburg, được phát hiện năm 1967. Piot hiểu được mức độ nghiêm trọng của Marburg, nhưng sau khi tham khảo ý kiến chuyên gia trên thế giới, ông cho rằng cấu trúc được quan sát dưới kính hiển vi không phải Marburg mà là một thứ khác, chưa từng được nhìn thấy trước đây.

Thông tin lan truyền đến Antwep rằng nữ tu đó đã chết. Nhóm chuyên gia cũng xác nhận nhiều trường hợp mắc bệnh lạ ở một khu vực hẻo lánh ở phía bắc của nước này, với các triệu chứng gồm sốt, tiêu chảy, nôn mửa, xuất huyết và tử vong.

Hai tuần sau, Piot lên đường đến Kinshasa, đánh dấu lần đầu tiên đặt chân đến châu Phi với hy vọng tìm ra loại virus mới và ngăn chặn thảm họa dịch bệnh. Nhóm nghiên cứu được đưa đến trung tâm bùng phát dịch, một ngôi làng nằm ở rừng nhiệt đới xích đạo. Nhờ phi cơ vận tải C-130, nhóm nghiên cứu hạ cánh xuống Bumba, một cảng sông nằm ở điểm cực bắc của sông Congo.

Nỗi sợ hãi căn bệnh bí hiểm trở nên rõ ràng hơn, khi phi công thậm chí không muốn đi xung quanh và tiếp tục để động cơ máy bay hoạt động khi nhóm nghiên cứu lấy đồ đạc. Trước khi đi, họ vẫy chào và nói "'Adieu", có nghĩa là "chúng tôi sẽ không bao giờ gặp lại các bạn nữa".

"Tôi không sợ hãi. Sự hào hứng tìm ra nguyên nhân và ngăn chặn bệnh dịch đang lấn át mọi thứ. Chúng tôi biết rằng ngày càng có nhiều người chết hơn so với suy nghĩ ban đầu, và chúng tôi muốn bắt tay làm việc", nhà nghiên cứu nói.

Phát hiện và ngăn chặn

Cuối cùng họ cũng có mặt tại làng Yambuku, cách Bumba khoảng 120m. Piot mô tả phong cảnh nơi đây rất đẹp, thiên nhiên trù phú nhưng con người lại rất nghèo. Những người đầu tiên anh gặp là một nhóm nữ tu và linh mục. Họ đã tập trung ở một nơi và lập một hàng rào chắn để ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh. Cách đó không xa là một dòng chữ viết bằng tiếng địa phương: "Hãy dừng lại, bất kỳ ai đi qua đây đều có thể chết". Piot nhảy qua hàng rào và nói rằng nhóm nghiên cứu của anh sẽ giúp họ.

Ưu tiên hàng đầu là ngăn chặn bệnh dịch, nhưng điều đầu tiên mà nhóm nghiên cứu cần làm là tìm ra cơ chế lan truyền virus, trong thức ăn, qua tiếp xúc giữa người với người hay lây lan qua côn trùng. Theo họ, đây là một loại loại bệnh truyền nhiễm do virus. Nữ giới mắc bệnh nhiều hơn nam giới, đặc biệt là những người ở độ tuổi 18-30. Nhiều người trong số này mang thai và từng đến khám tại bệnh viện địa phương.

Bí ẩn về loại virus Ebola dần được hé lộ. Tên gọi của virus được đặt theo một con sông ở Zaire.

Phụ nữ mang thai đều được tiêm khi đến khám ở bệnh viện địa phương. Mỗi buổi sáng chỉ có 5 ống tiêm được phân phát, do đó kim tiêm sẽ được tái sử dụng và virus lây truyền qua cách này giữa các bệnh nhân. Những người khác có thể nhiễm bệnh sau khi tham dự một đám tang. Khi một người chết vì virus Ebola, cơ thể của họ sẽ chứa đầy virus và vì vậy bất kỳ hoạt động tiếp xúc trực tiếp nào cũng sẽ là con đường lan truyền.

Những người bị mắc bệnh và nghi mắc bệnh bắt đầu được đưa đến nơi cách ly. Người từng tiếp xúc với người bệnh đều được kiểm tra, người dân trong vùng đồng thời được hướng dẫn quy trình chôn cất người chết một cách khoa học và cung cấp nhiều thông tin quan trọng khác.

Cùng với hoạt động cách ly, bệnh viện địa phương đóng cửa. Nhờ đó, bệnh dịch được ngăn chặn. Tuy nhiên, số người chết được thông kê lên đến gần 300 người.

Trở lại

Nhà khoa học phát hiện virus Ebola
Piot (áo tím) trong lần trở lại Yambuku hồi tháng 2/2014. (Ảnh: BBC)

Tháng 2/2014, Piot trở lại Yambuku nhân dịp sinh nhật lần thứ 65. Ông gặp Sukato Mandzomba, một trong số ít người nhiễm virus năm 1976 và vẫn sống sót. Vào thời điểm Piot đến đây, Mandzomba đang là một y tá ở bệnh viện địa phương.

Theo Piot, trong các trường hợp không có vaccine và phương pháp điều trị, lời khuyên cho các đợt bùng nổ dịch bệnh là những biện pháp tương tự từng được thực hiện trong những năm 1970. "Xà phòng, găng tay, cách ly bệnh nhân, không tái sử dụng kim tiêm và cách ly người bệnh - về mặt lý thuyết vì sẽ rất dễ nhiễm virus Ebola", ông nói.

Trên thực tế, nhiều yếu tố khác cũng có thể khiến việc ngăn chặn dịch trở nên khó khăn, trong đó có sự kỳ thị của cộng đồng, văn hóa tín ngưỡng hay niềm tin rằng đây là một căn bệnh do ma thuật. Nhà nghiên cứu khẳng định đây không phải căn bệnh do đói nghèo hay sự khác thường về sức khỏe của con người. Do đó, việc cung cấp thông tin, sự tham gia của người đứng đầu các cộng đồng người, hay phương pháp y tế là những nhân tố hết sức quan trọng trong cuộc chiến chống lại virus nguy hiểm này.

Sau cuộc chiến với virus Ebola, Piot bắt đầu nghiên cứu đại dịch AIDS ở Châu Phi và trở thành giám đốc điều hành sáng lập của tổ chức UNAIDS.

Theo Vnexpress
  • 1.382