Nhà vệ sinh 3.500 tuổi là bãi thải

  •  
  • 1.075

Nhà vệ sinh được cho là thuộc loại cổ nhất châu Á không có hình thù cố định và là một bãi thải, trong khuôn viên một ngôi chùa.

>>> Khai quật nhà xí hơn 3.500 năm ở Việt Nam

Mới đây các nhà khảo cổ Australia công bố đã phát hiện được một thứ dường như là toilet cổ nhất châu Á, có niên đại 3.300 đến 3.700 năm, thuộc thời Đồ Đá Mới. Radio Australia News dẫn lời tiến sĩ Marc Oxenham, thành viên nhóm nghiên cứu cho biết, chất thải hàng nghìn năm của con người và chó được phát hiện tại đây.

Thông tin về toilet cổ này nhận được sự quan tâm lớn từ giới khảo cổ và công chúng. Nhiều người tò mò muốn biết cả quá trình tìm thấy và hình thù của "nhà vệ sinh" này.

Trao đổi với PV, tiến sĩ Bùi Chí Hoàng, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu khảo cổ, Viện Phát triển Bền vững vùng Nam Bộ, và là người quản lý dự án này cho biết khu vực mà các nhà khảo cổ phát hiện nhiều mẫu phân rộng khoảng 6 mét vuông.

"Bãi thải này không có hình thù gì, phân được tìm thấy trong các tầng văn hóa (địa tầng) sâu khoảng 1,4-1,6m. Các nhà khoa học đã lấy được khoảng hơn 100 mẫu phân lớn nhỏ khác nhau", tiến sĩ Hoàng nói.

Các mẫu phân đang được đưa đi phân tích để xác định phân người, phân chó. Việc tìm thấy "nhà vệ sinh" này cũng khá may mắn bởi có một nhà khảo cổ học Philippines trong đoàn từng tìm thấy và nghiên cứu phân chó vào Thời đại đồ Sắt nên đã nhìn ra ngay các mẫu đó là phân cổ.

Khu vực phát hiện bãi thải 3.500 tuổi.
Khu vực phát hiện bãi thải 3.500 tuổi. (Ảnh: Phan Cường)

Hiện nơi khai quật đã được lấp lại, vẫn còn nhìn thấy những vết tích của hố đào. "Họ bắt đầu đào khoảng hơn một tháng, đến cuối tháng 4 thì xong. Có 4 hố khai quật gồm ba đằng sau chùa Núi và một bên hông chùa, tổng cộng chứng 70 mét", ông Trần Minh Thiện, người dân sống gần tại khu vực di tích khảo cổ Rạch Núi, cho biết.

Ông Thiện là người nấu cơm cho đoàn khảo cổ ăn, con gái ông cũng được đoàn thuê làm các việc đơn giản. "Ngày nào tôi cũng ra xem, các nhà khảo cổ tìm kiếm rất kỹ, cào nhẹ từng lớp đất, từng 5cm một, lớp nào cũng thấy phân. Hố khảo cổ mà thấy có phân thì nằm sát rạch, còn các hố khác chỉ thấy đồ dùng, cả rìu đá", ông Thiện kể.

Theo hòa thượng Thích Huệ Bạch, trụ trì chùa Linh Sơn (còn gọi là chùa Núi) thì các nhà khảo cổ đào đến mặt ruộng tầng dưới. Khi thấy phân, họ xắn một mảng đất xung quanh, trong đó chứa phân màu đen đem lên đưa đi phân tích.

Hòa thượng cũng khẳng định "nhà vệ sinh" không có hình dáng gì, chỉ là nơi thải. "Đây là lần thứ ba di tích khảo cổ này được khai quật, hai lần trước vào năm 1978 và 2003", ông nói. Bãi di tích này lâu nay vẫn được để trống, gần như hoang hóa.

Theo VNE
  • 1.075