Một thiên thạch đã "chứng kiến" sự ra đời của Hệ Mặt trời, theo nghiên cứu mới cho hay.
Năm 2011, các nhà khoa học xác nhận một nghi ngờ: Có một sự phân chia trong vũ trụ địa phương. Các mẫu gió mặt trời do sứ mệnh Genesis mang về Trái đất đã xác định chắc chắn các đồng vị ôxy ở Mặt trời khác với các mẫu được tìm thấy trên Trái đất, mặt trăng, các hành tinh và vệ tinh khác trong Hệ Mặt trời.
Hiện tại, các nhà nghiên cứu của Đại học Washington ở St. Louis, Mỹ, đã xác định được nguyên nhân gây ra sự phân chia này. Khả năng cao sự phân chia này là do một ngôi sao lớn đã chết từ lâu để lại dấu vết trên các thiên thể đá của Hệ Mặt trời.
Symplectite vũ trụ trong thiên thạch Acfer 094. (Ảnh: Phòng thí nghiệm Khoa học Không gian).
Nghiên cứu do nhà khoa học Lionel Vacher tại Phòng thí nghiệm Khoa học Không gian của Khoa vật lý tại trường Khoa học và Nghệ thuật thuộc Đại học Washington ở St. Louis dẫn dắt. Kết quả nghiên cứu được công bố trên tạp chí Geochimica et Cosmochimica Acta.
Kết quả dựa trên nghiên cứu thiên thạch Acfer 094 được tìm thấy ở Algeria năm 1990. Theo các nhà nghiên cứu, thiên thạch 85g này xuất thân từ một tiểu hành tinh có thể tồn tại trong 4,6 tỉ năm mà hầu như không bị tác động gì.
“Đây là một trong những thiên thạch nguyên thủy nhất trong bộ sưu tập của chúng tôi. Nó không bị đốt nóng đáng kể. Nó chứa các vùng xốp và các hạt nhỏ vốn hình thành xung quanh các ngôi sao khác. Nó là nhân chứng đáng tin cậy cho sự hình thành của Hệ Mặt trời" - nhà khoa học Lionel Vacher nói.
Acfer 094 cũng là thiên thạch duy nhất chứa symplectite vũ trụ, kết cấu có sự phát triển đan xen của sắt-ôxít và sắt-sunfua với đồng vị ôxy cực nặng. Đây là một phát hiện quan trọng.
Symplectite vũ trụ hình thành khi băng đá trên tiểu hành tinh nóng chảy và phản ứng với những mảnh kim loại sắt-niken nhỏ. Ngoài ôxy, symplectite vũ trụ còn chứa lưu huỳnh trong sắt sunfua. Nếu ôxy của kết cấu vật chất này chứng kiến những tiến trình vật lý thiên văn cổ đại vốn dẫn đến các đồng vị ôxy nặng thì dường như lưu huỳnh của kết cấu vật chất này cũng vậy.
Các nhà nghiên cứu đã thực hiện các phép đo đồng vị lưu huỳnh và ôxy của symplectite vũ trụ trong Acfer 094. Kết quả các phép đo đồng vị lưu huỳnh của symplectite vũ trụ phù hợp với sự chiếu xạ tia cực tím từ một ngôi sao lớn, nhưng không phù hợp với phổ UV từ mặt trời trẻ. Kết quả này mang tới một góc nhìn độc nhất vô nhị về môi trường vật lý thiên văn mà Mặt trời ra đời cách đây 4,6 tỉ năm. Những ngôi sao lớn lân cận có khả năng đủ gần để ánh sáng của chúng ảnh hưởng đến sự hình thành Hệ Mặt trời..
Nhà nghiên cứu Vancher cho biết, các nhà nghiên cứu đã nhìn thấy những hệ hành tinh mới ra đời, được gọi là proplyds, trong tinh vân Lạp Hộ đang bị ánh sáng cực tím từ những ngôi sao khối lượng lớn O và B làm ion hóa khí và phân tán ra khỏi nguồn ion hóa.
"Nếu các proplyds quá gần những ngôi sao này, chúng có thể bị xé toạc và các hành tinh sẽ không bao giờ hình thành. Giờ đây, chúng ta biết rằng Hệ Mặt trời khi mới sinh ra đã ở vị trí đủ gần để bị ảnh hưởng bởi ánh sáng từ những ngôi sao đó nhưng rất may là không quá gần" - ông nói thêm.