Tử thần 11,5 tỉ năm trước dội bom NASA: Dự báo rùng rợn cho chúng ta

  •  
  • 1.114

Một trong những vật thể tử thần đáng sợ, dữ dội bậc nhất vũ trụ đã ập vào ống kính của thợ săn Hubble một cách vô tình sau khi xuyên không từ thế giới 11,5 tỉ năm trước.

Vị tử thần đó là một siêu tân tinh cực lớn, cực mạnh, đã xuất hiện khi vũ trụ mới hơn 2 tỉ năm tuổi. Theo tờ Space, ban đầu NASA đã bỏ qua nó khi phân tích kho dữ liệu choáng ngợp của kính viễn vọng không gian Hubble, bởi siêu tân tinh đó quá xa và khó quan sát.

Tuy nhiên với độ nét kinh ngạc của dữ liệu mà Hubble mang lại, khoảnh khắc "dội bom" đã được "khai quật" bởi nhóm nghiên cứu dẫn đầu bởi phó giáo sư Patrick Kelly từ Trường Vật lý và Thiên văn thuộc Đại học Minnesota.


Đoạn clip được dựng lại từ dữ liệu quan sát quý giá của Hubble, cho thấy cách "tử thần" vũ trụ xuất hiện.

Trong đoạn clip mà NASA phát hành, có thể thấy một ngôi sao to lớn bỗng dưng phát nổ một cách dữ dội, đập vào mắt người xem một vùng sáng choáng ngợp, sau đó tiếp tục tỏa ra một vầng mây kỳ lạ sau cú nổ thứ nhất.

"Bạn thấy các màu sắc khác nhau trong 3 hình ảnh khác nhau. Bạn có một ngôi sao lớn, lõi sụp đổ, nó tạo ra một cú sốc, nó nóng lên, và sau đó bạn sẽ thấy nó nguội đi trong hơn một tuần. Tôi nghĩ đó có lẽ là một trong những điều tuyệt vời nhất mà tôi từng thấy!" - NASA dẫn lời phó giáo sư Kelly.

Sự kiện đó tạo thành thứ mà giới thiên văn gọi là "siêu tân tinh", cái chết kinh hoàng của một ngôi sao, mà chính thế giới chúng ta sẽ trải qua khoảng 5 tỉ năm nữa, khi Mặt trời cạn năng lượng và chết.

Như các nghiên cứu trước đây đã chỉ ra, các ngôi sao - bao gồm Mặt trời - sau khi cạn năng lượng sẽ phình ra thành một sao khổng lồ đỏ trong giai đoạn "hấp hối", sau đó phát nổ thành một siêu tân tinh. Sau cú nổ, thứ còn lại có thể là sao lùn trắng, một dạng "thây ma" bé nhỏ, giàu năng lượng.

Sao lùn trắng sau một thời gian có thể tiếp tục phát nổ, trong đó những cái lớn nhất có thể tiến hóa thành một lỗ đen khối lượng sao.

Vì vậy, hình ảnh của Hubble là một dự báo rùng rợn về tương lai của chúng ta. Một cú phát nổ như vậy đủ "tàn sát" ít nhất vài hành tinh quanh ngôi sao mẹ, nếu chúng ta thoát hiểm được việc bị nuốt chửng ngay từ giai đoạn Mặt trời phình lên thành sao khổng lồ đỏ.

Tuy nhiên, hình ảnh dự báo này ở một quy mô lớn hơn nhiều, bởi siêu tân tinh mà Hubble ghi lại được cho là một "siêu sao khổng lồ đỏ", bán kính gấp 530 lần Mặt trời. Chính kích thước kinh hoàng đó đã giúp chúng ta nhìn thấy nó từ thế giới cách xa tận 11,5 tỉ năm ánh sáng, sau khi được hỗ trợ bởi vài yếu tố quang học may mắn.

Hình ảnh này ẩn nấp sau cụm thiên hà Abell 370, được Hubble tìm ra từ năm 2010. Hubble đã chụp cả cụm chỉ vài giờ sau khi ngôi sao bắt đầu chết, nên ghi nhận được trên thời gian thực toàn bộ quá trình đáng sợ, thông qua 3 khoảnh khắc thể hiện đầy đủ 3 giai đoạn của siêu tân tinh.

Bộ hình thực tế từ kính viễn vọng không gian Hubble của NASA
Bộ hình thực tế từ kính viễn vọng không gian Hubble của NASA, trong đó hình ảnh đầu đã được tô màu để dễ quan sát - (Ảnh: HUBBLE/NASA)

Chính thiên hà Abell 370 đã giúp tăng cường sức mạnh cho "mắt thần" của Hubble để nhìn ra vật thể này, bởi ánh sáng bị uốn cong quanh cụm thiên hà do lực hấp dẫn của nó, khiến cả cụm tạo thành một thấu kính hấp dẫn giúp người Trái Đất nhìn thấy những vật thể lẽ ra ngoài tầm quan sát.

Do cách xa 11,5 tỉ năm ánh sáng, nên hình ảnh những gì xảy ra với siêu tân tinh đáng sợ nói trên cũng là hình ảnh của thế giới 11,5 tỉ năm trước chứ không phải thực tại. Vào thời điểm đó, vũ trụ sơ khai được cho là ngập tràn những vật thể khổng lồ và hung hãn mà ngôi sao đã chết là một ví dụ.

Với khoảng cách nói trên, vật thể cũng trở thành một trong những siêu tân tinh xa và lâu đời nhất con người từng phát hiện. Ngoài dự báo tương lai, nó còn là cánh cửa sổ hiếm hoi và quý giá để nhìn về buổi bình minh của vũ trụ.

Cập nhật: 10/11/2022 NLĐ
  • 1.114